Cách Làm Tổ Yến Chưng Nước Dừa Thơm Ngon, Thanh Nhiệt Cơ Thể
Tổ yến chưng nước dừa là món ăn thanh mát, thơm ngon, nổi tiếng với tác dụng thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe. Món ăn này mang đến nhiều tác dụng tuyệt vời, có thể sử dụng được cho nhiều đối tượng. Dưới đây là cách làm tổ yến chưng nước dừa thơm ngon, hấp dẫn lại vô cùng đơn giản, dễ thực hiện mà bạn có thể tham khảo.
Thành phần, giá trị dinh dưỡng của tổ yến và nước dừa
Tổ yến
- Protein: Chủ yếu là các glycoprotein, cấu tạo từ nhiều axit amin quan trọng, nổi bật như threonine giúp hỗ trợ hình thành collagen và elastin, tốt cho da và xương khớp. Proline thúc đẩy quá trình tái tạo mô, giúp vết thương mau lành.
- Khoáng chất: Canxi, sắt, magie, kali, natri, …
- Carbohydrate: Dạng phức hợp, đóng vai trò trong năng lượng và miễn dịch
- Các vi chất đặc thù: Một số axit sialic, hormone, yếu tố tăng trưởng,…
Nước dừa
- Vitamin nhóm B: B1, B2, B3, B5, B6, Folate (B9),… tham gia chuyển hóa năng lượng, tổng hợp tế bào.
- Vitamin C: Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, tốt cho làn da.
- Khoáng chất: Kali, magie, canxi, natri,… là các chất điện giải quan trọng, đặc biệt kali giúp hỗ trợ điều hòa huyết áp.
- Lượng đường tự nhiên: Cung cấp năng lượng.
Công dụng của món tổ yến chưng nước dừa
- Tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể: Tổ yến cung cấp đa dạng protein, axit amin, vi khoáng chất thiết yếu,… kết hợp cùng các vitamin, khoáng chất trong nước dừa tạo thành nguồn dưỡng chất dồi dào, hỗ trợ bồi bổ sức khỏe tổng thể. Đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, người cao tuổi, trẻ em suy nhược,…
- Thanh nhiệt, giải độc: Sự hòa quyện tính hàn, mát của tổ yến và nước dừa, món ăn có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, giảm nóng trong, giải độc cơ thể hiệu quả.
- Hỗ trợ làn da mịn màng: Các dưỡng chất trong tổ yến thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, kết hợp cùng lượng vitamin, chất chống oxy hóa trong nước dừa, hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa da, cho làn da luôn tươi trẻ, sáng mịn từ bên trong.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Nước dừa tươi giúp bổ sung chất điện giải, chất xơ hòa tan, hỗ trợ tiêu hóa, giảm các triệu chứng táo bón, đầy hơi. Kết hợp với tổ yến giàu chất xơ và protein cũng góp phần tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Giảm căng thẳng, an thần: Cả nước dừa và thành phần trong tổ yến có tác dụng hỗ trợ thư giãn hệ thần kinh, giảm mức độ căng thẳng. Món ăn này còn giúp an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cách làm món tổ yến chưng nước dừa thơm ngon, thanh nhiệt
Yến sào và nước dừa đều là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người yêu thích và sử dụng. Món ăn này có hương vị thanh mát, vô cùng thơm ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng. Nếu bạn chưa biết cách làm món tổ yến chưng nước dừa thì có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
Cách chưng tổ yến với nước dừa tươi
Tổ yến chưng nước dừa tươi là món ăn bổ dưỡng, dễ chế biến mà hương vị rất hấp dẫn. Sự thanh mát của nước dừa kết hợp hoàn hảo cùng vị đặc trưng của tổ yến. Với cách làm này, bạn có thể sử dụng yến tươi hoặc tổ yến thô hay tổ yến tinh chế đều được.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Tổ yến: Ưu tiên yến sào đã tinh chế để đảm bảo vệ sinh, độ nở. Lượng yến dùng tùy khẩu phần: thường 3-5g yến khô cho người lớn, 2-3g cho trẻ nhỏ.
- Nước dừa: Chọn nước dừa tươi, có vị ngọt thanh tự nhiên. Lượng nước dừa khoảng 100 – 150ml dùng xâm xấp mặt yến.
- Đường phèn: Tăng giảm độ ngọt tùy khẩu vị.
- Dụng cụ: Thố chưng sứ, nồi chưng cách thủy, nhíp gắp yến,…
Cách thực hiện:
- Nếu sử dụng yến tươi thì ngâm yến trong 10 phút cho yến nở hoàn toàn, nếu dùng tổ yến tinh chế thì ngâm trong 20 – 30 phút. Sau đó tách yến thành sợi nhỏ, lọc qua rây, đổ bỏ phần nước ngâm cũ.
- Cho tổ yến đã sơ chế vào thố chưng, đổ nước dừa tươi sao cho vừa ngập yến.
- Thêm đường phèn tùy khẩu vị.
- Cho vài lát gừng tươi mỏng (không bắt buộc) để tăng hương vị và tính ấm.
- Đặt thố chưng vào nồi, đổ nước ngập khoảng 1/3 chiều cao của thố.
- Chưng cách thủy với lửa nhỏ trong vòng 20-25 phút. Dùng tăm tre kiểm tra yến chín mềm.
- Sau khi yến chín, sợi yến mềm nhưng vẫn còn độ dai thì cho một ít đường phèn (tùy theo khẩu vị vào), đậy nắp, chưng thêm 5 phút ở lửa nhỏ rồi tắt bếp.
- Tổ yến chưng nước dừa có thể dùng nóng hoặc để nguội, cho thêm đá tùy thích.
- Bảo quản phần chưa dùng trong hộp kín ở ngăn mát tủ lạnh. Nên sử dụng trong vòng 3-4 ngày.
Công thức làm món yến chưng dừa nguyên trái
Yến chưng dừa nguyên trái mang đến trải nghiệm hương vị độc đáo, vừa thơm ngon vừa đẹp mắt. Món ăn này phù hợp với nhiều đối tượng, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Đây cũng là lựa chọn khi bạn muốn món ăn thêm phần sang trọng để đãi khách hay tặng quà.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Tổ yến: Chọn tổ yến tinh chế giúp rút ngắn thời gian sơ chế. Tùy vào kích thước quả dừa mà ước lượng lượng yến phù hợp (khoảng 3-5g yến khô/trái)
- Dừa xiêm: Chọn quả dừa tươi, còn xanh, tròn đều, không bị nứt vỡ, cuống còn tươi. Dừa bánh tẻ hoặc dừa xiêm nước lọt thường có cơm dày và ngọt nước hơn. Dùng dao khoét một lỗ tròn vừa phải ở phần đầu quả dừa.Cẩn thận trút phần nước dừa ra một vật dụng sạch. Có thể dùng muỗng nạo nhẹ phần cơm dừa ở phía dưới lỗ khoét nhưng không làm thủng đáy hay vỏ dừa.
- Đường phèn: Lượng đường tùy chỉnh theo khẩu vị.
- Dụng cụ: Bộ dụng cụ sơ chế yến (nếu có), dao cứng để khoét dừa, thố chưng, nồi chưng cách thủy,…
Cách thực hiện:
- Cho phần tổ yến đã sơ chế vào trong quả dừa.
- Thêm đường phèn tùy khẩu vị.
- Đổ phần nước dừa đã trút ra trở lại vào quả dừa, lượng nước gần đầy.
- Dùng một miếng gáo dừa hoặc nắp đậy kín lỗ khoét trên quả dừa.
- Cho dừa vào thố/nồi chưng. Trường hợp bạn không có xửng hấp, có thể cho quả dừa vào thố hoặc bát, đặt vào nồi, đổ nước ngập 1/2 phía ngoài bát rồi đem chưng trong 20 phút ở lửa nhỏ. Dùng tăm tre thử độ mềm của yến để canh thời gian.
- Yến chưng dừa nguyên trái có thể dùng nóng hoặc để lạnh đều thơm ngon, bổ dưỡng. Khi ăn, múc hỗn hợp yến và nước dừa ra chén nhỏ. Phần cơm dừa có thể thưởng thức cùng.
- Nếu chưa dùng ngay, có thể bảo quản yến chưng dừa trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2-3 ngày.
Cách chưng tổ yến với nước cốt dừa
Nước cốt dừa là sản phẩm được tạo ra từ hỗn hợp cùi dừa và nước lọc, có vị béo đậm đà, màu trắng đục như sữa. Cũng giống với nước dừa, nước cốt dừa giàu vitamin C, chất xơ, đạm, sắt, magie, mangan, đồng, selen, kali… Ngoài ra, nó còn chứa vitamin B9, chất béo và đặc biệt rất giàu calo. Tổ yến chưng nước cốt dừa mang đến hương vị thơm béo đặc trưng, giúp món yến chưng thêm đa dạng và hấp dẫn.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Tổ yến: Chọn loại yến tinh chế để rút ngắn thời gian sơ chế. Ngâm yến trong nước sạch khoảng 20-30 phút đến khi yến nở tơi. Nhặt sạch lông và tạp chất còn sót, rửa lại, để ráo.
- Nước cốt dừa: Sử dụng nước cốt dừa tươi hoặc đóng hộp. Nếu chọn loại đóng hộp, ưu tiên loại ít đường hoặc không đường.
- Đường phèn: Lượng đường tùy theo khẩu vị.
- Các nguyên liệu khác (tùy chọn): Hạt sen, long nhãn, kỷ tử,…
Cách thực hiện:
- Cho yến đã sơ chế vào thố chưng, thêm nước ngập mặt yến. Chưng cách thủy khoảng 20 phút đến khi yến chín mềm.
- Nếu dùng nước cốt dừa tươi, vắt phần nước cốt qua rây để loại bỏ phần cái dừa. Pha thêm chút nước lọc để nước cốt dừa loãng hơn, giúp món ăn không quá béo ngậy.
- Thêm nước cốt dừa vào thố yến đang chưng, thêm đường phèn tùy khẩu vị. Tiếp tục chưng thêm khoảng 5-7 phút đến khi hỗn hợp hòa quyện, yến mềm hoàn toàn. Vớt bọt nếu có nổi lên.
- Nếu dùng hạt sen, long nhãn,… những nguyên liệu này cần được nấu chín mềm riêng và cho vào cùng lúc với nước cốt dừa.
- Tùy theo sở thích, bạn có thể thưởng thức ngay khi còn ấm, hoặc ướp lạnh để tăng vị thanh mát.
Ai không nên dùng tổ yến chưng nước dừa?
- Trẻ em dưới 12 tháng tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa phù hợp để hấp thu các dưỡng chất phức tạp trong tổ yến.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Đây là giai đoạn nhạy cảm, để tránh tác động không mong muốn, các mẹ bầu nên hạn chế dùng trong tam cá nguyệt đầu.
- Người dị ứng với tổ yến hoặc thành phần trong yến: Một số người nhạy cảm cao có thể gặp các phản ứng như ngứa, mẩn đỏ, nặng hơn là khó thở, dị ứng nghiêm trọng.
- Người mắc một số bệnh lý nền: Tiểu đường, huyết áp thấp, các bệnh lý tiêu hóa cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Một số lưu ý khi sử dụng món yến chưng nước dừa
- Liều lượng và tần suất phù hợp: Tùy vào độ tuổi mà chúng ta sử dụng yến sào với liều lượng thích hợp. Thông thường, người lớn nên sử dụng tổ yến khô khoảng 3-5g/lần, dùng 2-3 lần/tuần. Trẻ em cần giảm liều lượng so với người lớn, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Không nên lạm dụng, dùng quá nhiều có thể gây dư thừa dinh dưỡng, khó tiêu.
- Thời điểm dùng thích hợp: Tốt nhất nên dùng vào sáng sớm khi bụng đói hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất.
- Bảo quản đúng cách: Yến sào chưng nước dừa nếu chưa dùng ngay nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, có thể bảo quản trong vòng 3-4 ngày.
- Không nên lạm dụng: Yến chưng nước dừa chỉ là món ăn bổ sung dưỡng chất, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, không phải thuốc, không phải “thần dược” chữa bệnh, cũng không thể thay thế các nhóm thực phẩm chính mà chúng ta sử dụng hàng ngày.
Trên đây là một số cách làm món tổ yến chưng nước dừa thơm ngon, bổ dưỡng, thanh nhiệt, làm mát cơ thể với cách chế biến và nguyên liệu đơn giản mà bạn có thể tham khảo. Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết mua tổ yến ở đâu uy tín, chất lượng, giá cả phải chăng thì có thể tham khảo các loại yến sào tại Trung tâm Yến sào Vietfarm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!