Gợi ý 3 cách chưng yến vụn bổ dưỡng, đơn giản tại nhà

Yến vụn có giá trị dinh dưỡng tương đương với các loại yến khác, tuy nhiên do sợi yến nhỏ vụn, không đẹp mắt nên được bán với giá thành rẻ, rất phù hợp để sử dụng cho trẻ em vì không cần phải cắt nhỏ để bé dễ sử dụng. Cũng giống với tổ yến thông thường, có nhiều cách chưng yến vụn đơn giản, bổ dưỡng, dễ thực hiện. Bạn có thể tham khảo một số cách làm gợi ý dưới đây. 

3 Cách chưng yến vụn đơn giản, bổ dưỡng

Yến vụn là các mảnh vụn yến bị gãy vỡ ra trong quá trình khai thác, vận chuyển và sơ chế, khiến chúng không có hình dạng nguyên vẹn. Sợi yến nhỏ, ngắn, khó đắp thành tổ, dễ bị nhiễm khuẩn nên được bán với giá thành rẻ. Yến vụn được chia thành 3 loại chính là tổ yến thô vụn, tổ yến vụn đắp tổ và tổ yến vụn tươi. Ưu điểm của loại này chính là đảm bảo về chất lượng và giá trị dinh dưỡng, khi chưng lên có mùi thơm đặc trưng, hương vị như yến nguyên tổ.

Yến vụn được rất nhiều người lựa chọn sử dụng. Mặc dù sợi yến bị vỡ nát, không còn nguyên hình dạng nhưng nếu được chế biến đúng cách, chúng ta vẫn có thể tạo ra những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Sau đây là một số cách chưng yến vụn đơn giản, dễ thực hiện:

1. Cách chưng yến vụn với đường phèn

Yến chưng đường phèn là món ăn quen thuộc, nguyên liệu đơn giản, chỉ cần một ít yến vụn và đường phèn là được. Yến chưng đường phèn có thể sử dụng cho nhiều đối tượng từ trẻ em, phụ nữ mang thai đến người già, người sức khỏe suy nhược. Để yến phát huy tối đa hiệu quả, chúng ta nên sử dụng yến một cách thường xuyên và đều đặn.

Chưng yến vụn với đường phèn là cách làm đơn giản, dễ thực hiện tại nhà
Chưng yến vụn với đường phèn là cách làm đơn giản, dễ thực hiện tại nhà

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g yến vụn
  • Đường phèn

Cách thực hiện: 

  • Yến vụn đem ngâm nở với nước lọc khoảng 20 phút, lọc yến qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ
  • Cho yến vào chén sứ hoặc thố chưng yến chuyên dụng (nếu có), đổ vào chén 200 – 250ml nước
  • Cho chén vào nồi chưng, đổ nước ngập tới 1/4 thân chén, đậy nắp đem chưng cách thủy ở lửa nhỏ trong 20 – 30 phút tùy khẩu vị.
  • Sau 30 phút bạn cho đường phèn vào chén, đậy nắp, đun thêm 5 phút cho đường tan rồi tắt bếp, thưởng thức.

Lưu ý: Đường phèn bạn cho theo khẩu vị, nếu thích ăn ngọt thì cho nhiều đường, nếu thích ít ngọt thì chỉ cần cho một ít là đủ. Không nên đun ở lửa lớn vì hầu hết các protein đều bị phân hủy ở nhiệt độ >100 độ C.

Tham khảo thêm: 5 Công Thức Yến Chưng Đường Phèn Đúng Chuẩn

2. Cách chưng yến vụn với hạt sen, táo đỏ, đường phèn

Hạt sen giàu protein, magie, photpho, kali, có tác dụng chống lão hóa, kích thích tiêu hóa, điều hòa cholesterol, chống viêm, bảo vệ đường tiết niệu. Trong khi đó, táo đỏ giàu acid gallic, acid malic, chất xơ, canxi, Kali, sắt, magie, natri, vitamin A, B1, B2, C… Yến chưng hạt sen, táo đỏ là món ăn thanh nhiệt, hương vị thơm ngon bổ dưỡng, có tác dụng an thần, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ tiêu hóa, bổ máu, tăng cường hồi phục sức khỏe mà bạn nên thử.

Yến vụn chưng táo đỏ hạt sen thơm ngon, bổ dưỡng
Yến vụn chưng táo đỏ hạt sen thơm ngon, bổ dưỡng

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g yến vụn
  • 25g hạt sen
  • 5 – 7 quả táo đỏ
  • Đường phèn

Cách thực hiện:

  • Yến vụn ngâm với nước lạnh cho nở, thời gian ngâm tốt nhất là khoảng 20 – 30 phút. Sau khi yến nở mềm thì lọc yến qua rây, đổ bỏ phần nước ngâm yến.
  • Hạt sen bỏ tim, rửa sạch, để ráo nước, nếu hạt sen khô thì ngâm với nước nóng trong 2 tiếng cho nở mềm. Đem hấp cách thủy hạt sen với lửa vừa trong vòng 10 phút đến khi hạt sen chín mềm.
  • Táo đỏ đem rửa sạch, ngâm với nước khoảng 30 phút, cho vào nồi đun sôi với nước trong 15 – 20 phút cho táo mềm.
  • Yến vụn cho vào chén sứ hoặc thố chưng chuyên dụng, đổ vào 250ml nước, đậy nắp, chưng cách thủy trong 25 – 30 phút.
  • Sau 30 phút, cho táo đỏ, hạt sen chín và đường phèn vào, khuấy đều, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức.

Lưu ý: Táo đỏ không phù hợp với người thể đàm thấp, tiểu đường, người mới bị cảm mạo. Không sử dụng cho người đang gặp vấn đề về tiêu hóa với các triệu chứng như rối loạn chức năng tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, táo bón.

3. Cách chưng yến vụn với nhãn nhục, bạch quả, đường phèn

Nhãn nhục là phần áo hạt của quả nhãn, có tác dụng kiện tỳ ích khí, an thần, bổ tâm, dưỡng huyết tráng dương, bồi bổ, tăng cường sức khỏe… Vị thuốc này còn có khả năng kháng khuẩn, làm bền thành mạch máu, tăng cường hoạt tính của tế bào thần kinh, làm chậm quá trình lão hóa.

Trong khi đó, bạch quả vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng cường tuần hoàn máu não, ngừa thoái hóa điểm vàng và hội chứng tiền đình. Bạn có thể chưng yến với nhãn nhục, bạch quả để an thần, tăng cường trí nhớ, cải thiện tuần hoàn máu và các triệu chứng rối loạn tiền đình.

Yến vụn cũng có thể chưng với nhãn nhục, bạch quả, táo đỏ...
Yến vụn cũng có thể chưng với nhãn nhục, bạch quả, táo đỏ…

Nguyên liệu: 

  • 3 – 5g yến vụn
  • 5 – 7g nhãn nhục
  • 5 – 7 quả táo đỏ
  • 6 – 10 hạt sen
  • 10g bạch quả
  • Đường phèn
  • Vài lát gừng tươi

Cách thực hiện:

  • Yến vụn ngâm với nước khoảng 20 – 30 phút cho nở đều, lọc yến qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ
  • Hạt sen bỏ tim, rửa sơ với nước, để ráo; táo đỏ rửa sạch, ngâm nước lạnh 30 phút; bạch quả tách bỏ vỏ, rửa qua
  • Cho hạt sen vào nồi, hấp cách thủy với lửa vừa trong 15 – 20 phút cho hạt sen mềm, cho bạch quả, táo đỏ vào nồi luộc 10 phút; nhãn nhục ngâm với nước ấm trong 5 – 10 phút
  • Cho yến vụn vào chén sứ hoặc thố chưng, lần lượt cho bạch quả, hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục vào, đổ thêm 200 – 250ml nước, đậy nắp
  • Chưng cách thủy trong 25 – 30 phút tùy vào khẩu vị của từng người, sau đó cho đường phèn, vài lát gừng tươi vào, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức.

Lưu ý: Thời gian chưng yến tùy theo khẩu vị của từng người, nếu bạn thích ăn mềm thì nên chưng lâu hơn, tuy nhiên không nên quá 40 phút. Món yến sào chưng này rất bổ dưỡng, tuy nhiên, không thích hợp với người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, chướng bụng, táo bón, khó tiêu.

Xem thêm: Cách làm món yến chưng bạch quả, táo đỏ, nhãn nhục

Có nên dùng yến vụn hay không?

Yến vụn có tốt không, có nên sử dụng hay không là những thắc mắc mà Trung tâm yến sào Vietfarm thường hay nhận được. Trả lời vấn đề này, các chuyên gia cho biết, trên lý thuyết, yến vụn là do các tổ yến bị vỡ ra tạo thành các vụn yến trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến. Về mặt dinh dưỡng, hàm lượng dưỡng chất trong yến vụn không khác nhiều so với tổ yến thông thường.

Tuy nhiên, thực tế thì, tỷ lệ tổ yến gãy vụn và lượng yến vụn trên thị trường là không nhiều. Trong quá trình thu hoạch yến bị mất chân, tổ yến bị gãy, bị nát là không tránh khỏi. Thế nhưng, thay vì để bán trực tiếp yến vụn thô, các cơ sở sẽ dùng để làm tổ yến tinh chế, các vụn yến đắp bên trong, sợi yến dài đắp bên ngoài hoặc dùng để bán yến vụn baby. Giá yến vụn thô tương đối thấp, dễ bị ép giá nên rất ít cơ sở lựa chọn bán yến vụn.

Các chủ cơ sở nuôi yến nhận định, không thể có tình trạng yến vụn thô được bán với số lượng lớn như trên thị trường hiện nay. Có chăng là yến nhập khẩu từ nước ngoài về nước ta với giá rẻ và được bán ở dạng yến vụn giá thấp mà thôi. Bởi lẽ so với các nước khác, chất lượng và giá yến của Việt Nam vượt trội hơn rất nhiều. Hơn nữa, không tránh khỏi tình trạng người kinh doanh trộn các nguyên liệu giống yến nhằm thu lợi bất chính.

Theo lời khuyên của các chuyên gia Trung tâm Yến sào Vietfarm, yến vụn tốt nhưng bạn chỉ nên mua khi chắc chắn về uy tín, mức độ đảm bảo của cơ sở bán yến. Tuyệt đối không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được rao bán với giá rẻ trên thị trường hiện nay. Tình trạng làm yến giả, yến kém chất lượng rất nghiêm trọng, đặc biệt, yến vụn càng dễ bị làm giả hơn so với các loại khác. Vì vậy, hãy là một người tiêu dùng thông thái, sáng suốt, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Một số lưu ý khi chưng và sử dụng yến vụn

Trong quá trình chưng và sử dụng yến vụn, có một số vấn đề đặc biệt quan trọng mà người dùng không nên bỏ qua như:

  • Tổ yến nên được chưng ở lửa nhỏ, nhiệt độ thấp, dưới 100 độ C, tuyệt đối không chưng yến ở nhiệt độ cao, lý do là hầu hết các protein trong yến dễ bay hơi ở nhiệt độ >100 độ C.
  • Khi chưng yến, nếu có nồi chưng chuyên dụng thì thời gian chưng là khoảng 45 – 60 phút, nếu chưng cách thủy thì thời gian chưng tốt nhất là từ 25 – 40 phút tùy loại yến.
  • Trong quá trình chưng, cần đậy nắp để tránh thất thoát dưỡng chất, không cho đường phèn vào chưng cùng ngay vì dễ khiến sợi yến bị cứng mất ngon.
  • Lượng yến tốt nhất nên dùng cho trẻ từ 7 tháng – 3 tuổi là từ 0.5 – 2g, từ 3 – 10 tuổi là 2 – 3g, với trẻ trên 10 tuổi và người lớn là 3 – 5g. Sử dụng yến cách ngày, đều đặn mỗi tuần để yến phát huy tối đa hiệu quả, tuyệt đối không sử dụng quá nhiều một ngày để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
  • Yến sau khi chưng xong có thể dùng khi còn nóng hoặc để nguội, cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy và bảo quản trong tủ lạnh. Yến đã chưng chỉ có thể bảo quản được trong 5 -7 ngày, do đó, bạn nên ăn càng sớm càng tốt.

Trên đây là một số cách chưng yến vụn đơn giản, thơm ngon, bổ dưỡng, dễ thực hiện mà bạn có thể tham khảo. Tình trạng làm giả, trộn nguyên liệu giống yến như mủ trôm, rong biển, bún tàu… vào yến vụn rất nhiều, do đó, bạn cần đặc biệt thận trọng khi mua sản phẩm này.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày đăng 10:51 - 22/06/2023 - Cập nhật lúc:02:54 chiều

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Anh Nguyễn Viết Dũng - 0988443556
Hà Nội
Cách đây 10 phút