Chưng Yến Bao Lâu Để Giữ Được Trọn Vẹn Các Dưỡng Chất Quý
Chưng yến là một trong những cách chế biến để sử dụng yến sào đơn giản, thông dụng được nhiều người biết đến và áp dụng nhất. Thế nhưng, không phải yến sào chưng thế nào cũng được mà phải biết cách chưng đúng, canh thời gian chưng yến chuẩn để đảm bảo giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng. Nếu bạn đang băn khoăn không biết chưng yến bao lâu là tốt nhất thì đừng bỏ qua những thông tin dưới đây từ Yến sào Vietfarm.
Chưng yến bao lâu là tốt nhất?
Chưng yến bao lâu là tốt nhất, giúp giữ được trọn vẹn các dưỡng chất có trong yến sào là thắc mắc chung của nhiều người. Theo hướng dẫn của người làm yến lâu năm và các chuyên gia dinh dưỡng, thời gian chưng yến còn phụ thuộc chất lượng và loại tổ yến. Nếu là yến sào thiên nhiên hoặc yến huyết thì thời gian chưng sẽ dài hơn so với các loại yến khác.
Sau đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc chưng yến bao lâu là tốt nhất mà bạn có thể tham khảo:
Đối với yến nhà
Yến nhà được nuôi trong các nhà yến, ở các nhà yến được lắp đặt các thiết bị và được xây dựng với nhiệt độ, độ ẩm gần giống với các hang động ở đảo. Mặc dù không sống ở đảo nhưng tập tính sống, tìm mồi và sinh sản của yến vẫn như vậy, thức ăn của yến nuôi cũng là những thực phẩm từ thiên nhiên chứ không phải là thức ăn nhân tạo.
Tổ yến nhà có chân nhỏ và mỏng hơn, giá trị dinh dưỡng của yến nhà khá giống với yến đảo, chỉ là do được kiểm soát tốt về vệ sinh nên có mức độ an toàn cho sức khỏe cao hơn. Với yến nhà:
- Thời gian ngâm để yến thô nở khoảng từ 30 – 60 phút
- Thời gian ngâm để yến nhà đã tinh chế nở khoảng 15 phút
- Thời gian chưng yến tốt nhất là từ 20 – 25 phút.
Đối với tổ yến đảo
Yến đảo là loại yến được thu hoạch trực tiếp từ tự nhiên, lấy tổ từ các loài yến sống trong các hang động ở đảo hoặc rừng. Loại yến này được khai thác từ tự nhiên, ở các hang động, vách núi cheo leo. So với yến nhà, yến đảo có thân dày, chân cứng, hình dạng khá giống với một cái chén.
Tổ yến đảo bám chắc vào vách đá, khó lấy hơn rất nhiều so với yến nhà. Tổ yến được làm trên vách đá, có chứa nhiều chất như sắt, kẽm, canxi… phải mất 2 – 3 tháng mới hoàn thành được một tổ yến. Với yến đảo:
- Thời gian ngâm yến thô tương đối lâu, phải mất khoảng 2 – 3 giờ thì yến mới mềm
- Thời gian chưng tổ yến thô đã được làm sạch khoảng 30 – 40 phút để đảm bảo sợi yến mềm, giúp cơ thể hấp thụ được tối đa dưỡng chất
- Thời gian ngâm yến đảo đã sơ chế là 15 phút, thời gian chưng yến tốt nhất là khoảng 30 phút.
Đối với yến huyết
Yến huyết là loại yến được cho là có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ chiếm 10% tổng sản lượng yến thu được. Yến huyết có màu từ đỏ hồng đến đỏ thẫm, chỉ có thể khai thác từ tự nhiên, trong các hang động sâu, vách đá cheo leo, mỗi năm chỉ có thể khai thác 1 lần. So với yến trắng và hồng yến, yến đỏ có hàm lượng đạm và sắt cao hơn, thời gian ngâm yến cũng lâu hơn. Với yến huyết:
- Với huyết yến thô, thời gian ngâm để sợi yến nở và tơi có thể lên đến 4 – 6 giờ
- Thời gian chưng huyết yến thô khoảng 45 phút đến 1 tiếng
- Thời gian ngâm để yến huyết đã sơ chế khoảng 1 tiếng, thời gian chưng yến thường từ 30 – 40 phút để sợi yến nở mềm.
Đối với yến vụn
Yến vụn là các mảnh tổ yến bị vỡ, gãy, hoặc rơi ra trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, hoặc làm sạch tổ yến thô. Yến vụn, về bản chất, sở hữu các thành phần dinh dưỡng tương đồng với tổ yến nguyên vẹn nhưng có hình thức kém thẩm mỹ hơn. So với các loại yến khác, yến vụn có thời gian chưng nhanh hơn, cụ thể như sau:
- Ngâm yến vụn trong nước sạch khoảng 20 phút đến khi yến nở tơi.
- Chưng cách thủy ở nhiệt độ 70-80°C trong 20-25 phút.
Yếu tố ảnh hưởng đến thời gian chưng yến
Thời gian chưng yến không phải là một con số cố định. Sự biến động trong khoảng thời gian thích hợp nhằm đạt được độ mềm vừa phải và bảo toàn tối đa dinh dưỡng của yến sào chịu ảnh hưởng từ các yếu tố sau:
Phương pháp chưng:
- Chưng cách thủy truyền thống: Nhiệt độ nước không ổn định dễ gây ra dao động nhiệt độ trong lòng thố chưng, có khả năng tác động tiêu cực đến các hợp chất dinh dưỡng trong yến, đồng thời kéo dài thời gian chưng.
- Nồi chưng yến chuyên dụng: Duy trì nhiệt độ ổn định trong khoảng lý tưởng (70-80°C), cho phép chưng yến trong thời gian dài hơn mà không gây ảnh hưởng xấu, đảm bảo yến nở đều và mềm đạt chuẩn.
Độ dày của thố chưng
- Thố mỏng: Truyền nhiệt nhanh, nhiệt độ bên trong thay đổi mau chóng, thời gian chưng có xu hướng ngắn hơn.
- Thố dày: Khả năng giữ nhiệt cao, giúp duy trì nhiệt độ nấu ổn định hơn, góp phần kéo dài thời gian chưng thích hợp.
Các món yến chưng thơm ngon bổ dưỡng
Tổ yến có thể được chưng với đường phèn hoặc các nguyên liệu khác như táo đỏ, đường phèn, hạt sen, hạt chia, kỷ tử… Thay vì chỉ chưng yến, bạn có thể chế biến thành nhiều món yến chưng khác nhau để thay đổi. Điều này sẽ vừa đảm bảo cung cấp được các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ tăng cường đề kháng, nâng cao sức khỏe mà còn có thể kích thích vị giác, giúp chúng ta ăn uống ngon miệng, không bị ngán khi dùng yến.
Với tổ yến, bạn có thể chế biến thành các món yến chưng như:
- Yến chưng đường phèn: Nguyên liệu đơn giản là tổ yến, đường phèn và vài lát gừng
- Yến chưng táo đỏ: Nguyên liệu chính là tổ yến, 5 – 6 quả táo đỏ, một ít đường phèn và vài lát gừng tươi
- Yến chưng hạt sen: Nguyên liệu chính là tổ yến, đường phèn, hạt sen và vài lát gừng
- Yến chưng hạt chia: Nguyên liệu chính là tổ yến, đường phèn, hạt chia
- Yến chưng sữa tươi: Nguyên liệu chính là tổ yến, sữa tươi không đường, đường phèn
- Yến chưng mật ong: Nguyên liệu chính gồm tổ yến, mật ong, đường phèn
- Yến chưng nhụy hoa nghệ tây: Nguyên liệu chính gồm tổ yến, nhụy hoa nghệ tây, mật ong
- Yến chưng đông trùng hạ thảo: Nguyên liệu chính gồm tổ yến, đông trùng hạ thảo và đường phèn…
Chưng yến là cách chế biến yến tương đối đơn giản, giúp giữ được trọn vẹn hương vị và các dưỡng chất có trong tổ yến. Bên cạnh các món yến chưng đã đề cập, bạn cũng có thể chưng yến với lê Hàn Quốc, chưng yến với kê gà, hoặc có thể nấu cháo yến sào với thịt bằm, tổ yến hầm chim bồ câu, súp tổ yến, chè tổ yến hạt sen táo đỏ… Những món ăn này đều rất thơm ngon bổ dưỡng, vô cùng thích hợp để hồi phục, bồi bổ tăng cường sức khỏe.
Yến đã chưng có thể để được trong bao lâu?
Theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu yến chưng với đường phèn hoặc chỉ chưng yến không thì bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa là 14 ngày. Trong khi đó, nếu chưng yến với các nguyên liệu như gừng, táo đỏ, hạt sen, hạt chia, kỷ tử… thì thời gian bảo quản tối đa có thể dùng được là không quá 10 ngày.
Sau khi chưng yến, bạn cho một lượng vừa đủ ra chén, phần còn lại thì cho vào hộp kín rồi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, yến đã chưng tốt nhất chỉ nên sử dụng trong 1 tuần, nếu để lâu sẽ gây mất chất, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trường hợp nếu chưng yến, phần yến còn lại không sử dụng mà không được đậy kín nắp thì khoảng 1 – 2 ngày sau đó yến sẽ tan thành nước.
Với yến tươi chưa chưng, nếu lấy ra khỏi hộp, bạn cho vào hộp kín, túi zip bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh thì nên dùng nhanh trong vòng 7 ngày. Nếu bảo quản ở túi zip, để trong ngăn đông thì bảo quản được từ 3 – 5 tháng. Nếu yến tươi sấy khô, cho vào hộp kín, bảo quản ở nơi thoáng mát thì thời gian sử dụng có thể lên đến 1 – 2 năm. Với tổ yến đã làm sạch, ngâm nước, bạn cần sấy khô hoặc để khô thông thường, tiếp đó bảo quản ở hũ hoặc lọ kín, cho vào ngăn đông thì có thể bảo quản được trong 3 tháng.
Những lưu ý cần biết khi chưng yến
- Ngâm và chưng yến cần đúng cách, khi ngâm yến thì nên sử dụng nước lạnh để ngâm, không dùng nước nóng vì sẽ làm mất đi một phần dưỡng chất có trong yến.
- Khi chưng yến, theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp tốt nhất để giữ được trọn vẹn dưỡng chất trong yến là chưng cách thủy hoặc chưng cùng đường phèn và các nguyên liệu khác như hạt sen, táo đỏ, kỷ tử…
- Khi sử dụng tổ yến, bạn cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm của tổ yến, nếu thấy tổ yến chuyển sang màu nâu đen hoặc đen thì không nên sử dụng vì có thể đã bị oxy hóa nhiều hoặc bị nấm mốc.
- Chưng yến trong thời gian quá dài khiến sợi yến bị nhão, các axit amin quan trọng và các dưỡng chất bị mất đi.
- Chưng yến không đủ thời gian dẫn đến sợi yến còn cứng, gây ra tình trạng khó hấp được hết các dưỡng chất quý giá có trong yến sào.
- Khi chưng tổ yến cần dùng thố chưng có nắp đậy, tránh tình trạng chất dinh dưỡng bị thất thoát, làm giảm dinh dưỡng trong yến.
- Cần bảo quản yến sào đúng cách, không để yến trong tủ lạnh quá lâu, điều này làm giảm dưỡng chất có trong yến, mang lại nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe.
- Tránh nấu trực tiếp trên lửa với nhiệt độ quá cao vì sẽ khiến các dưỡng chất trong yến thất thoát hết.
Yến sào là thực phẩm dinh dưỡng có giá trị cao, được mệnh danh là “thực phẩm vàng” cho sức khỏe giúp tăng cường đề kháng, bồi bổ, kích thích tiêu hóa, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị các di chứng hậu covid. Yến sào dễ bị làm giả, do đó, bạn nên lựa chọn mua ở những địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Có thể bạn quan tâm:
- Bạn có biết 1 tai yến chưng bao nhiêu nước là ngon nhất chưa?
- Tổ yến kỵ với thực phẩm nào? Nắm rõ khi muốn sử dụng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!