Yến Chưng Lê Có Tác Dụng Gì? 4 Cách Làm Đúng Chuẩn
Yến chưng lê là món ăn yêu thích của nhiều người bởi sự thanh mát, hương vị thơm ngon, hấp dẫn, đồng thời còn hỗ trợ cải thiện các vấn đề của hệ hô hấp như ho khan, ho có đờm, đau rát họng, thích hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Vậy chế biến và sử dụng yến sào cùng lê như thế nào để đạt được hiệu quả cao, giữ trọn thành phần dinh dưỡng trong các nguyên liệu này? Bạn đọc nếu đang tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc này có thể tham khảo bài viết dưới đây của Yến sào Vietfarm.
Yến chưng lê có tác dụng gì với sức khỏe?
Yến sào trước kia thường được dâng lên vua chúa bởi rất bổ dưỡng, tuy nhiên hiện nay món ăn này trở nên phổ biến hơn, được nhiều người tìm mua, sử dụng. Tổ yến chưng có thể kết hợp cùng nhiều nguyên liệu để tăng thêm độ thơm ngon, vị hấp dẫn cũng như hàm lượng dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là quả lê.
Lê là loại quả có tính mát, vị hơi chua, chứa hàm lượng lớn chất xơ, chất béo, sắt, canxi, photpho, carbohydrate, vitamin nhóm B, C, PP, acid folic, beta caroten. Cũng bởi vậy mà loại quả này mang đến công dụng giảm ho, tiêu đờm, thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu độc, nhuận trường, thanh tâm giáng hỏa, rất tốt cho sức khỏe.
Yến sào và lê khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra món ăn giàu dinh dưỡng, đây chính là lý do từ xa xưa, người ta đã chế biến món yến chưng lê để trị ho, bổ phế, cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa. Cụ thể công dụng của món ăn này đó là:
- Yến sào chưng lê có tác dụng dưỡng âm, bổ phế, hỗ trợ làm sạch đờm nhầy, qua đó giảm ho, long đờm khi bị cảm, ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản rất tốt.
- Với hàm lượng lớn protein, acid amin, acid sialic, sắt, kẽm, selen, crom, brom, đây là món ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương, rất thích hợp để sử dụng cho người mới ốm dậy.
- Quả lê có tính mát, mang đến khả năng thanh nhiệt, sự kết hợp yến sào và lê sẽ tạo ra món ăn hấp dẫn cho mùa hè để giải nhiệt, loại bỏ độc tố trong cơ thể.
- Một số hoạt chất trong món ăn này có thể làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa hoạt động của gốc tự do, cải thiện chức năng của hệ hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý khác.
4 cách chưng yến với lê hiệu quả cao nhất
Như Yến sào Vietfarm đã phân tích ở trên, cả yến sào và lê đều chứa hàm lượng dưỡng chất cao, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là hệ hô hấp và trị ho rất tốt. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến đúng chuẩn để đạt được kết quả cao nhất. Dưới đây là 4 cách chưng yến cùng lê đơn giản, bổ dưỡng bạn có thể thực hiện.
Yến chưng quả lê và đường phèn
Bạn chỉ cần yến sào, lê và đường phèn đã tạo ra được một món ăn chất lượng, hấp dẫn, thơm ngon, đặc biệt thích hợp cho các bé đang bị ho, đờm và gặp vấn đề về hệ hô hấp. Có 2 cách chưng yến với lê trị ho đó là chưng yến trong quả lê và chưng yến cùng lê.
Cách 1: Yến chưng quả lê:
- Chuẩn bị 4g tổ yến tinh chế, 1 quả lê to, đường phèn.
- Ngâm tổ yến tinh chế trong khoảng 30 phút để yến nở mềm, sau đó dùng rây lọc yến, để ráo và tách thành sợi nhỏ.
- Quả lê bạn rửa sạch, cắt tạo hình một chiếc thố chưng có nắp đậy và khoét lấy ruột bên trong.
- Lúc này bạn cho yến vào trong quả lê, đổ nước ngập yến rồi đậy nắp quả lê, đặt trên một chiếc đĩa nhỏ, cho vào tô sứ hoặc chén sứ và chưng cách thủy trong khoảng 30 phút.
- Cuối cùng bạn cho đường phèn vào, khuấy đều rồi chưng thêm 5 phút thì tắt bếp và thưởng thức ngay.
Cách 2: Chưng cùng lê:
- Cũng chuẩn bị 3 – 4g tổ yến tinh chế, 1 quả lê to, đường phèn.
- Để tạo ra món yến chưng đường phèn và lê, bạn cho yến vào ngâm trong 30 phút đến khi yến nở mềm thì vớt ra tách sợi.
- Lê mang rửa sạch, gọt bỏ vỏ, cắt ruột lê thành dạng hạt lựu.
- Tiếp theo cho yến sào và lê vào thố chuyên dụng hoặc bát sứ lớn có nắp, đổ nước ngập yến và chưng cách thủy trong khoảng 30 phút.
- Chờ đến khi yến mềm, cho đường phèn vừa khẩu vị, sau đó khuấy đều, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, lấy ra thưởng thức.
Kết hợp cùng mật ong
Mật ong cũng là nguyên liệu tốt cho sức khỏe, đặc biệt có thể hỗ trợ điều trị tình trạng ho khan, ho có đờm cùng những vấn đề về hệ hô hấp. Do đó, món yến chưng mật ong được nhiều người thực hiện khi bị ho, đờm, thích hợp cho trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu gồm 1 tổ yến tinh chế, nửa quả lê, 2 thìa mật ong nguyên chất.
- Yến tinh chế mang ngâm với nước lạnh trong khoảng 30 phút để nở mềm, sau đó dùng rây lọc bỏ nước, chờ ráo thì tách sợi dọc theo chiều dài sợi yến.
- Lê rửa sạch, bỏ vỏ, thái thành hình hạt lựu.
- Tiếp đến bạn cho lê vào thố chưng chuyên dụng, đổ nước ngập mặt yến và chưng cách thủy trong khoảng 20 – 30 phút.
- Mật ong nguyên chất pha cùng nước ấm đến khi tan hẳn rồi cho vào thố yến, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức ngay.
Yến chưng lê và gừng
Yến chưng gừng và lê cũng là món ăn bạn không nên bỏ qua nếu đang muốn nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch cho các thành viên trong gia đình những ngày thời tiết thay đổi. Chế biến và sử dụng yến chưng lê và gừng đúng cách sẽ cải thiện được các triệu chứng của bệnh về đường hô hấp và bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 3 – 5g yến sào tinh chế, nửa quả lê, gừng tươi.
- Yến sào cũng cho vào nước lạnh ngâm khoảng 30 phút để nở mềm, bạn dùng rây lọc bỏ nước, chờ ráo rồi tách thành sợi nhỏ.
- Quả lê rửa sạch, gọt vỏ, thái mỏng hoặc cắt hình hạt lựu.
- Gừng rửa sạch, bỏ vỏ, thái sợi nhỏ.
- Lúc này cho yến và lê vào bát sứ lớn hoặc thố chưng chuyên dụng, chưng cách thủy trong thời gian 20 – 30 phút.
- Cuối cùng cho gừng tươi đã sơ chế vào, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp và thưởng thức khi còn ấm nóng để đạt được hiệu quả cao nhất.
Một số lưu ý khi chế biến và sử dụng lê chưng yến
Cách làm yến chưng lê vô cùng đơn giản, tuy nhiên nếu muốn đạt được hiệu quả cao trong việc tăng cường sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa bệnh tật, bạn cần thận trọng khi chế biến và sử dụng, cụ thể:
- Cần tìm mua yến sào, lê và các nguyên liệu cần dùng ở địa chỉ bán chất lượng, đặc biệt là yến sào để tránh mua nhầm hàng giả, vừa không đảm bảo giá trị dinh dưỡng, vừa gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
- Món yến chưng lê trị ho chỉ là bài thuốc được dân gian truyền tai nhau, hiệu quả phụ thuộc vào cơ địa từng người, do vậy không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Bạn chỉ nên sử dụng ở dạng thực phẩm hỗ trợ thay vì hy vọng trị dứt điểm bệnh lý.
- Món ăn này có nhiều lợi ích cho cơ thể người dùng nhưng bạn không được lạm dụng, chỉ sử dụng với liều lượng vừa đủ, cụ thể là 0,5 – 2g với trẻ 2 – 3 tuổi, 2 – 3g với trẻ từ 3 – 10 tuổi, 3 – 5g với trẻ trên 10 tuổi và người lớn, đặc biệt phải dùng cách ngày, không sử dụng liên tục. Để tránh lạm dụng, sử dụng liều lượng không đúng, thậm chí có thể gây phản tác dụng, bạn hãy tham khảo bài viết sau: Liều lượng sử dụng yến sào cho trẻ
- Thời điểm phù hợp để bạn ăn yến chưng lê là sáng sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ vào buổi tối khoảng 1 tiếng.
- Không sử dụng món ăn này với trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, trường hợp bị sốt, cảm lạnh, đầy bụng, khó tiêu, phong hàn, phong nhiệt, tỳ vị yếu.
- Lê và yến sào đều có tính mát nên bạn cần thận trọng trong quá trình dùng nếu đang bị đau lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng.
- Khi chế biến chỉ ngâm yến với thời gian vừa đủ, không ngâm quá lâu khiến món ăn mất ngon, đồng thời lê không được dập nát vì dễ gây ra các bệnh về đường ruột.
Yến chưng lê là một trong những món ăn vô cùng hấp dẫn, bổ dưỡng, có thể dùng được trong nhiều trường hợp khác nhau, nhất là người bị ho, đờm, viêm họng. Mặc dù chứa hàm lượng dưỡng chất cao, tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bạn nên cẩn thận trong quá trình chọn mua nguyên liệu, chế biến và sử dụng đúng liều lượng để đạt được kết quả cao nhất, tránh những tác hại với cơ thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách sử dụng yến sào cho người già bồi bổ sức khỏe
- Top 9 loại yến sào tốt nhất trên thị trường hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!