Hướng Dẫn Cách Chưng Yến Tươi Ngon Giữ Trọn Dưỡng Chất Quý
Yến được chia thành nhiều loại, theo cách sơ chế thì sẽ được chia làm 2 loại chính là yến tươi và yến khô. Thông thường, tổ yến khô được sử dụng phổ biến hơn hết do có thể bảo quản được lâu, trong khi đó, yến tươi có tính tiện dụng cao, chỉ cần mua về, sơ chế là có thể dùng được liền. Yến tươi cũng được rất nhiều người yêu thích và sử dụng, sau đây là một số cách chưng yến tươi ngon, giữ được trọn vẹn dưỡng chất mà bạn không nên bỏ qua.
Yến tươi là gì? Có tốt không?
Nhắc đến các loại yến sào, người ta thường nghĩ ngay đến 2 loại là tổ yến thô và tổ yến tinh chế. Tuy nhiên, theo trạng thái, cách sơ chế thông thường, yến được chia thành yến tươi và yến khô. Yến tươi là tổ yến thô được mang đi ngâm nở, làm sạch lông, loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, để cho ráo nước nhưng không định hình lại tổ hay sấy khô mà đóng gói thành phẩm trực tiếp và đưa đến tay người tiêu dùng.
Quy trình làm ra yến tươi cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tiêu hao khá nhiều thời gian, công sức của người thợ. Đặc điểm của yến tươi đó là sợi yến trong, có thể cảm nhận rõ cấu tạo, độ ẩm trên từng sợi yến. Yến có độ đàn hồi tốt, sờ vào có cảm giác hơi nhầy nhưng không bở, mùi tanh đặc trưng, bảo quản trong tủ lạnh thì mùi nhẹ đi, khi lấy ra ngoài sẽ ngửi được mùi tanh như cũ. Để đánh giá chất lượng yến, người ta thường dựa vào độ nở và mùi của sợi yến. Nếu ngâm trong nước nhiều giờ mà sợi yến dai không nhão nát, độ nở gấp 3 – 4 lần ban đầu thì đây chính là yến tốt.
Ưu điểm của yến tươi chính là sợi yến có kết cấu rõ ràng, khi chưng lên giòn, độ mềm vừa phải, mùi thơm đặc trưng của yến tự nhiên. Hơn nữa, yến tươi đã được sơ chế, khi mua về chỉ cần ngâm nở sơ là có thể sử dụng được ngay. Không cần trải qua các công đoạn như nhặt lông, loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, đợi yến nở trong thời gian dài rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian. Sản phẩm này đặc biệt thích hợp với người bận rộn. Thế nhưng, yến tươi cũng có nhược điểm là thời gian bảo quản ngắn, chỉ để được ở tủ lạnh tối đa 7 ngày, nếu cấp đông thì có thể bảo quản được trong 3 – 5 tháng.
Thực tế, nếu bạn muốn tìm kiếm một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tiện dụng, giá cả phải chăng thì yến tươi chính là một lựa chọn tuyệt vời. Với thắc mắc yến tươi có tốt không thì câu trả lời là tốt, không hề thua kém về giá trị dinh dưỡng so với yến thô và yến tinh chế. Tuy nhiên, nếu so sánh cách loại này với nhau thì yến rút lông nguyên tổ là tốt nhất rồi đến tổ yến thô nếu được sơ chế, chế biến đúng cách, tiếp đó là tổ yến tinh chế rồi mới đến yến tươi. Tổ yến tươi thường được làm từ yến vụn dạt ra trong quá trình làm tổ yến tinh chế, thời gian bảo quản ngắn nên không quá được ưa chuộng.
Hướng dẫn cách chưng yến tươi thơm ngon, bổ dưỡng
Yến tươi được ngâm qua nước để yến nở nhằm thuận tiện cho việc nhặt lông, làm sạch tạp chất, tuy nhiên, yến vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng của mình. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm này. Nếu bạn chưa biết cách chưng yến tươi như thế nào tốt, đúng cách thì có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Cách chưng yến bằng phương pháp chưng cách thủy
Chưng yến tươi cách thủy là phương pháp truyền thống, giúp giữ được trọn vẹn dưỡng chất có trong yến. Với cách làm này, chúng ta chỉ cần sử dụng một chiếc nồi có nắp đậy cùng chén hoặc thố chưng yến là được.
Nguyên liệu:
- 10 – 15g yến tươi (tương đương với 2 – 3g yến khô)
- Đường phèn
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước trong 10 phút, sau đó lọc qua rây, bỏ phần nước cũ, rửa lại với nước tinh khiết, lọc qua rây, để ráo nước
- Cho yến vào thố hoặc bát/chén sứ có nắp đậy, thêm nước cho ngập yến, đặt 1 chiếc nồi lên bếp, lót khăn sạch dưới đáy nồi, đặt thố chưng lên trên, đổ nước cho ngập 1/3 chén hoặc thố chưng
- Đun ở lửa nhỏ trong 30 phút (nếu thích ăn mềm thì có thể đun 35 – 40 phút) để yến chín, tuyệt đối không chưng yến trong thời gian quá lâu.
- Sau 30 phút, cho đường phèn (lượng vừa ăn, tùy vào khẩu vị), khuấy đều, đậy nắp, tiếp tục chưng khoảng 5 phút rồi tắt bếp, thưởng thức.
2. Cách chưng yến tươi bằng nồi cơm điện
Bên cạnh nồi chưng chuyên dụng, chúng ta cũng có thể sử dụng nồi cơm điện để chưng yến. Đây là thiết bị quen thuộc, có trong gian bếp của mỗi gia đình. Nếu không có nồi điện chưng yến chuyên dụng, bạn có thể tạm thời sử dụng nồi cơm điện để chưng yến.
Nguyên liệu:
- 10 – 15g tổ yến tươi
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Ngâm yến sào tươi với nước trong 5 – 10 phút, lọc yến qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ, để ráo nước
- Cho yến vào thố chưng chuyên dụng hoặc chén/bát có nắp đậy, đổ nước sạch vào cho ngập yến, lưu ý không đổ quá nhiều nước để tránh nước tràn ra ngoài
- Đặt thố chưng yến vào nồi cơm điện, đổ nước cho ngập khoảng 1/3 thố, đậy nắp, bật chế độ cooking
- Thời gian chưng bằng nồi cơm điện là khoảng 20 phút, sau đó bạn mở nắp, cho đường phèn và vài lát gừng vào, chưng thêm khoảng 5 phút rồi lấy yến ra, thưởng thức.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách chưng yến bằng nồi cơm điện cực đơn giản
3. Cách chưng yến tươi với nồi điện chuyên dụng
Sử dụng nồi điện chưng yến chuyên dụng được đánh giá là phương pháp chưng giúp giữ được trọn vẹn giá trị dinh dưỡng có trong tổ yến. Cách chưng yến bằng nồi điện chuyên dụng này cũng tương đối đơn giản, không có gì phức tạp lại tiện lợi, dễ thực hiện nên bạn hoàn toàn có thể áp dụng để chưng yến tại nhà.
Nguyên liệu:
- 10 – 15g yến tươi
- Đường phèn
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước trong 5 – 10 phút cho nở, lọc yến qua rây, bỏ đi phần nước ngâm cũ, để cho ráo nước
- Cho yến vào thố chưng, đổ nước cho ngập yến, nếu nồi nhỏ thì sử dụng lượng yến vừa phải, chỉ đổ nước khoảng 80% để tránh tình trạng yến nở tràn ra nồi. Đặt thố vào trong nồi có chứa sẵn nước, chưng trong 20 phút, ở nhiệt độ không quá 100 độ C
- Sau khi chưng được 20 phút thì thêm đường phèn và vài lát gừng tươi vào, đậy nắp chưng thêm 5 phút. Nếu thích ăn yến mềm thì có thể chưng thêm 15 – 20 phút nữa rồi rút phích cắm, lấy thố hoặc múc yến ra ngoài và thưởng thức.
Ngoài ra, có một số nồi chưng yến chuyên dụng được tích hợp sẵn các chức năng chưng phù hợp. Bạn chỉ cần ngâm yến cho nở, đổ nước vào nồi theo mức đánh dấu, cho yến vào thố, thêm nước đậy lại và đặt vào nồi. Tiếp đó, chúng ta chỉ cần cắm điện, điều chỉnh chức năng chưng yến, tùy vào khẩu vị mà chọn chế độ Low, High hoặc Auto tùy thích.
4. Cách chưng yến tươi bằng nồi nấu chậm
So với thố điện chưng yến chuyên dụng, việc chưng yến với nồi nấu chậm cũng không có quá nhiều khác biệt, bởi phương pháp này cũng giúp giữ lại trọn vẹn dưỡng chất có trong yến. Nồi nấu chậm giúp thực phẩm chính ở nhiệt độ vừa phải, không bị phân hủy hay xảy ra các phản ứng hóa học do việc nấu ở nhiệt độ cao, từ đó giúp thực phẩm trở nên thơm ngon, bổ dưỡng hơn.
Nguyên liệu:
- 10 – 15g tổ yến tươi
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước khoảng 5 – 10 phút cho nở mềm, lọc qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ, cho yến vào thố chưng, đổ nước cho ngập mặt yến
- Đặt thố chưng yến vào nồi nấu chậm, đổ nước cho ngập 1/3 hoặc 1/2 thố yến, đậy nắp, chưng trong 40 – 45 phút
- Sau đó cho đường phèn và vài lát gừng tươi vào, đậy nắp, chưng tiếp khoảng 5 – 10 phút rồi tắt bếp, thưởng thức.
Xem thêm: Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm cực kỳ đơn giản tại nhà
Yến tươi có thể chưng với các nguyên liệu nào?
Yến tươi thực chất cũng được chế biến giống với yến khô, có thể chưng cùng nhiều nguyên liệu khác nhau như đường phèn, hạt sen, táo đỏ, hạt chia… Thông thường, cứ 1g yến khô sẽ tương đương với 5g yến tươi. Do đó, tùy vào số người sử dụng mà bạn dùng lượng yến tươi phù hợp.
1. Cách chưng yến tươi với táo đỏ
Táo đỏ còn có tên gọi là hồng táo khô, táo tàu, nổi tiếng nhất là táo đỏ Tân Cương và táo đỏ Hàn Quốc. Táo đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt có hiệu quả tốt trong việc bổ máu, an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Yến tươi có thể được chưng với táo đỏ, đường phèn để gia tăng hiệu quả.
Nguyên liệu:
- 10 – 15g yến tươi
- 5 – 7 quả táo đỏ loại ngon
- Đường phèn
Cách thực hiện:
- Tổ yến tươi ngâm với nước trong 5 – 10 phút cho nở đều, lọc qua rây, bỏ phần nước ngâm, để yến trên rây cho ráo nước
- Táo đỏ ngâm với nước lạnh trong 30 phút – 1 tiếng, cho táo vào nồi, đun với 500ml nước lọc khoảng 10 phút cho táo hơi mềm, tắt bếp, để nước táo luộc nguội hẳn
- Cho yến vào thố chưng, đổ nước luộc táo vào, đậy nắp, cho thố vào nồi, chưng cách thủy ở lửa nhỏ trong 25 – 30 phút. Sau khi yến chín thì thêm đường phèn theo khẩu vị, khuấy đều, thêm vài lát gừng, đun thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức.
2. Cách chưng yến tươi với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục
Táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả đều là những nguyên liệu quen thuộc được dùng để chưng yến, còn được gọi là tứ bảo. Hạt sen, nhãn nhục đều nổi tiếng với tác dụng an thần, dưỡng tâm, dưỡng huyết, kiện tỳ… Kết hợp các nguyên liệu này với nhau tạo nên món yến chưng tươi sẽ giúp cho bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ, bổ máu, tăng cường đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch…
Nguyên liệu:
- 10 – 15g yến tươi
- 5 – 7 quả táo đỏ
- 25g hạt sen
- 4 – 5g bạch quả
- 1 – 2 muỗng nhãn nhục
- Đường phèn, vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Yến tươi đem ngâm với nước khoảng 10 phút cho yến nở, lọc qua rây bỏ phần nước ngâm cũ để yến ráo nước
- Hạt sen ngâm với nước nóng hoặc nước ấm 1 tiếng; nhãn nhục ngâm nước 30 phút, táo đỏ ngâm nước 30 phút – 1 tiếng
- Đun sôi nước, cho hạt sen vào nấu khoảng 10 – 15 phút cho mềm, sau đó cho nhãn nhục, táo đỏ, bạch quả vào, tiếp tục đun ở lửa nhỏ, sau khi hỗn hợp chín đều thì cho 1 – 2 thìa nhỏ đường phèn vào theo khẩu vị.
- Yến cho vào thố, đổ nước ngập mặt yến, chưng trong 20 phút, sau đó đổ hỗn hợp táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả vào, chưng thêm 10 – 15 phút rồi tắt bếp, thưởng thức.
Một số lưu ý cần biết khi chưng và sử dụng yến sào tươi
Yến tươi hay yến khô đều có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều dưỡng chất quý giá, tốt cho sức khỏe người sử dụng. Tùy vào nhu cầu, mục đích sử dụng, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà bạn lựa chọn mua yến tươi hay yến khô. Nếu là một người bận rộn, không có nhiều thời gian trong việc sơ chế yến, bạn có thể chọn sử dụng yến tươi. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh tế tốt, là người giỏi nấu ăn, kiên nhẫn, tỉ mỉ thì yến thô sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.
Khi lựa chọn mua và chế biến yến sào tươi bạn cũng cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Không giống với yến khô, yến tươi do được ngâm nước nên sẽ có trọng lượng cao hơn, thường thì 100g yến khô sẽ tương đương với 400 – 600g yến tươi. Do đó, bạn cần sử dụng yến tươi với liều lượng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Yến tươi không cần phải sơ chế nhiều, chỉ cần rửa sơ là có thể sử dụng được ngay. Tuy nhiên, sản phẩm này cần được bảo quản đúng cách, nếu bỏ vào túi zip bảo quản ở nhiệt độ dưới 4 độ C ở tầng lạnh thì thời gian tối đa là 7 ngày, nếu bỏ tầng đông thì khoảng 3 – 5 tháng.
- Khi thấy sợi yến tươi sờ vào có cảm giác dính nhớt, dễ đứt, nhão và khá bở, chưng lên sợi không còn kết cấu, không có độ dai, mềm thì chứng tỏ yến đã quá hạn sử dụng hoặc không phải là yến thật.
- Không nên chưng yến ở nhiệt độ cao đồng thời không chưng quá lâu, tốt nhất là dưới 100 độ C nhằm tránh làm mất các dưỡng chất quý giá có trong yến.
- Khi mua yến tươi, cần chọn mua ở những địa chỉ uy tín, đáng tin cậy, yến tươi dễ bị trộn các nguyên liệu giống yến nhằm thu lợi bất chính, đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, việc chọn được địa chỉ mua hàng chất lượng, chính hãng bao giờ cũng đóng vai trò vô cùng cần thiết.
Có thể thấy, có rất nhiều cách chưng yến tươi thơm ngon, bổ dưỡng, giúp giữ được trọn vẹn các dưỡng chất có trong yến sào mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Hy vọng những thông tin mà Trung tâm Yến sào Vietfarm cung cấp sẽ giúp bạn chọn được cách chưng yến phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Yến tươi để được bao lâu? Cách bảo quản yến tươi từ A – Z
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!