Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm cực kỳ đơn giản tại nhà
Yến có thể được chưng bằng nhiều phương pháp như chưng yến với nồi chưng điện chuyên dụng, chưng với nồi cơm điện, chưng cách thủy, chưng bằng nồi nấu chậm. Trong đó, các cách chưng yến bằng nồi nấu chậm được đánh giá cao về hương vị, đảm bảo giữ lại được trọn vẹn các dưỡng chất quý giá có trong loại thực phẩm này. Sau đây là cách chưng yến với nồi nấu chậm đơn giản, đúng cách được Yến sào Vietfarm tổng hợp mà bạn có thể tham khảo.
Chưng yến bằng nồi nấu chậm có tốt không?
Nồi nấu chậm là một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất hiện nay, được gọi là Crockpot hoặc Slow Cooker, có tác dụng nấu thức ăn trong thời gian dài ở nhiệt độ thấp giúp thực phẩm mềm, có thể giữ được hàm lượng dưỡng chất trong thực phẩm tương đối trọn vẹn, lên đến 99%. Do được nấu ở nhiệt độ thấp nên nồi nấu chậm hoàn toàn không làm mất các loại vitamin và dưỡng chất quý giá trong yến, mang lại một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Nồi nấu chậm có nhiều loại, được sử dụng phổ biến là loại nồi có phần ruột làm bằng sứ ceramic, phần thân nồi gia nhiệt có tác dụng làm nóng lõi sứ bên trong, phần nắp làm bằng kính giúp dễ dàng quan sát thực phẩm. Loại nồi này rất thích hợp sử dụng để chưng yến, lý do là yến sào không thể chưng bằng nồi kim loại, hơn nữa việc sử dụng nồi chưng yến có nắp bằng kính sẽ giúp ta dễ dàng quan sát được quá trình chưng yến để điều chỉnh.
Nồi nấu chậm thường hoạt động ở dải nhiệt độ thấp, đa số là ở 75 – 135 độ C. Hơn nữa, ngoài chức năng hầm, chọn thời gian nấu, chúng ta cũng có thể sử dụng loại nồi này để giữ ấm thức ăn trong 8 – 12 giờ. Tuy nhiên, đúng như tên gọi của mình, nồi nấu chậm giúp giữ trọn vẹn tối đa dưỡng chất trong thực phẩm nhưng cũng có ưu điểm là thời gian nấu tương đối chậm. Loại nồi này được đánh giá là đặc biệt thích hợp để chưng yến. Trong trường hợp bạn muốn chưng tổ yến nhanh thì đây không phải là lựa chọn phù hợp.
Như vậy, với thắc mắc, chưng yến bằng nồi nấu chậm có tốt không, có ngon không thì câu trả lời chính là có. Việc dùng nồi nấu chậm khi chưng yến sẽ giúp yến chín mềm, thơm ngon hấp dẫn mà lại có thể tránh được tình trạng một số protein, acid amin, vitamin, khoáng chất trong yến thất thoát, bị biến chất do đun nấu ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia, khi chưng yến tuyệt đối không chưng ở nhiệt độ trên 100 độ C vì sẽ làm mất chất, gây hao hụt các thành phần dưỡng chất quý giá có trong loại thực phẩm này.
Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm đơn giản, dễ thực hiện
Sử dụng nồi nấu chậm được đặc biệt ưa chuộng nhất là trong việc chế biến các thực phẩm dành cho trẻ em và chưng yến. Nồi nấu chậm có thể chế biến được nhiều món khác nhau, các món ăn được nấu ra ở nhiệt độ vừa phải nên giúp thực phẩm thơm ngon, trọn vị, bổ dưỡng bởi các thành phần dưỡng chất không bị phân hủy cũng không xảy ra các phản ứng hóa học. Dưới đây là một số cách chưng yến bằng nồi nấu chậm đơn giản mà bạn có thể tham khảo:
1. Cách chưng yến với đường phèn bằng nồi nấu chậm
Chưng yến với đường phèn bằng nồi nấu chậm có cách làm vô cùng đơn giản. Nguyên liệu của món ăn này là các nguyên liệu cơ bản, chỉ cần đường phèn, yến sào, vài lát gừng và một nồi nấu chậm chất lượng là bạn có thể thực hiện được. Đường phèn vị ngọt, tính bình, rất tốt cho sức khỏe, có thể chỉ khái trừ đờm, hòa vị nhuận phế, hỗ trợ tiêu hóa. Món ăn này có hương vị nhẹ nhàng, giữ được vị nguyên bản của từng nguyên liệu, rất dễ sử dụng lại vô cùng bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến sào
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Yến sào ngâm với nước cho nở, nếu dùng tổ yến tinh chế bạn ngâm nước khoảng 20 – 30 phút, nếu dùng yến rút lông nguyên tổ thì ngâm khoảng 40 phút, tổ yến thô ngâm khoảng 1 – 2 tiếng rồi dùng nhíp gắp bỏ lông, làm sạch bụi bẩn và tạp chất trên tổ yến thô
- Sau khi yến đã được ngâm nở, làm sạch, lọc yến qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi vừa ăn để dễ sử dụng
- Đổ nước vào nồi nấu chậm thấy nước đến vạch max thì dừng lại. Cho yến sào đã làm sạch vào thố đựng, thêm nước cho ngập yến, đậy nắp. Đặt thố chưng yến vào nồi nấu chậm, chọn chế độ nấu chậm, thời gian nấu là khoảng từ 45 – 60 phút, nếu dùng nồi Bear thì thời gian nấu là 60 phút
- Sau đó mở nắp nồi, cho đường phèn (theo khẩu vị) và vài lát gừng cắt sợi vào, tiếp tục nấu thêm 5 phút thì tắt bếp, để nguội và thưởng thức.
2. Cách chưng yến với táo đỏ, hạt sen
Hạt sen, táo đỏ đều mang đến nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Trong đó, hạt sen có tác dụng an thần, cải thiện suy nhược thần kinh, mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Loại hạt này cũng rất giàu dưỡng chất, đặc biệt là kali, magie, photpho, protein, giúp chống viêm, kích thích tiêu hóa, bảo vệ đường tiết niệu, điều hòa cholesterol.
Trong khi đó, táo đỏ là dược liệu tuyệt vời có tác dụng bổ ích tỳ vị, dưỡng huyết, bổ máu, an thần, cải thiện các triệu chứng như người mệt mỏi, tim đập nhanh, tỳ vị suy nhược, ăn ít… Món yến chưng táo đỏ mang đến nguồn dinh dưỡng có giá trị cao cho sức khỏe, là món ăn yêu thích của nhiều người.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến sào
- 5 – 7 quả táo đỏ
- 10 hạt sen
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Yến sào bạn sơ chế như cách trên, sau khi yến mềm thì lọc qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi nhỏ để dễ sử dụng
- Táo đỏ rửa sạch, ngâm nước 5 – 10 phút; hạt sen rửa sạch, cho nồi lên bếp, thêm nước, đun sôi, bỏ hạt sen vào luộc đến khi hạt sen mềm thì tắt bếp, vớt ra; gừng tươi rửa sạch, cắt sợi
- Đổ nước vào nồi nấu chậm đến vạch Max, cho yến vào thố, đổ nước cho ngập yến rồi cho táo đỏ (cắt đôi) vào, đậy nắp, cho vào nồi nấu chậm, chọn chế độ nấu chậm, thời gian nấu từ 45 – 60 phút tùy vào loại nồi
- Sau 40 phút, bạn cho hạt sen, đường phèn vào, đậy nắp, nấu thêm 15 – 20 phút thì cho vào vài lát gừng tươi, tiếp tục đun thêm 5 phút để tăng khả năng chống oxy hóa của gừng rồi tắt bếp, thưởng thức khi còn ấm.
3. Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm với hạt chia
Hạt chia được mệnh danh là siêu thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao, rất tốt cho sức khỏe người sử dụng. Loại hạt này giàu chất xơ, chất béo omega-3-6-9, protein, giàu canxi, magie, photpho. Ngoài ra còn chứa một số vitamin và khoáng chất khác như B1, B2, B3, kẽm, kali… Sử dụng yến chưng hạt chia đúng cách sẽ giúp làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường sức đề kháng, duy trì vóc dáng cân đối, săn chắc, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị táo bón, kích thích hoạt động của nhu động ruột.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến sào
- 2 thìa hạt chia
- 5 – 7 quả táo đỏ
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Sơ chế tổ yến như cách trên, sau khi yến mềm, bạn lọc yến qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi nhỏ
- Táo đỏ rửa sạch, ngâm với nước trong 5 – 10 phút, hạt chia rửa qua, ngâm với nước lọc lạnh trong 15 phút cho nở
- Đổ nước vào nồi nấu chậm đến vạch max, cho yến, táo đỏ vào thố, đổ nước ngập mặt yến, đậy nắp, cho thố chưng vào nồi, chọn chế độ nấu chậm, nấu trong 45 – 60 phút
- Sau đó mở nắp, cho đường phèn, vài lát gừng vào khuấy đều, nấu thêm 5 – 10 phút thì tắt bếp
- Cho hạt chia vào thố yến đã chín khuấy đều rồi thưởng thức khi còn ấm hoặc để nguội, ướp lạnh để sử dụng.
4. Cách làm yến chưng long nhãn bằng nồi nấu chậm
Bên cạnh những nguyên liệu như hạt chia, táo đỏ, hạt sen… chúng ta cũng có thể chưng yến với long nhãn (nhãn nhục) hoặc chưng với tất cả các nguyên liệu này bằng nồi nấu chậm. Long nhãn là phần cùi của quả nhãn được phơi hoặc sấy khô, có vị ngọt, tính ấm, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ngủ không ngon giấc, mất ngủ, hay quên, người hồi hộp hay ra mồ hôi… Yến chưng long nhãn là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng vị ngọt hấp dẫn được trẻ em rất yêu thích.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến sào
- 6 miếng long nhãn
- Đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách thực hiện:
- Sơ chế tổ yến như cách 1, sau khi yến nở thì lọc qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi nhỏ vừa ăn
- Long nhãn rửa sạch, ngâm với nước 30 phút cho mềm, gừng gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành sợi nhỏ
- Đổ nước vào nồi nấu chậm đến vạch Max của nồi, sau đó cho yến đã làm sạch vào thố, đổ nước ngậm yến, bỏ long nhãn vào, đậy nắp. Đặt thố yến vào nồi, chọn chế độ nấu chậm, thời gian nấu từ 45 – 60 phút.
- Sau đó mở nắp, cho đường phèn và vài lát gừng vào, tiếp tục chưng thêm 5 – 10 phút thì tắt bếp, để còn ấm thì thưởng thức.
5. Cách làm món yến chưng nước dừa bằng nồi nấu chậm
Yến chưng nước dừa là món ăn thơm ngon, hương vị thanh mát, có nhiều tác dụng với sức khỏe như thanh nhiệt, giải nhiệt, cải thiện sức khỏe làn da, nâng cao hệ miễn dịch. Chúng ta hoàn toàn có thể chưng yến với nước dừa vì nước dừa không độc, tính bình, không kỵ với yến.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến sào
- 150 – 250ml nước dừa
- Đường phèn
Cách thực hiện:
- Sơ chế yến sào như hướng dẫn đã đề cập, sau khi yến nở thì lọc qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi để yến không bị dính khi chưng
- Đổ nước vào nồi nấu chậm đến vạch Max, cho yến vào nước dừa vào thố chưng, đậy nắp, đặt thố vào nồi nấu chậm, chọn chế độ chưng yến hoặc nấu chậm, chưng trong 45 – 60 phút tùy loại nồi
- Sau đó cho một ít đường phèn (theo khẩu vị) rồi đậy nắp, chưng thêm 5 – 10 phút thì tắt bếp, thưởng thức khi còn ấm hoặc để nguội, ướp lạnh và thưởng thức.
Một số lưu ý khi chưng yến bằng nồi nấu chậm
Nồi nấu chậm là sản phẩm có mặt ở hầu hết các gia đình, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, người già, người sức khỏe kém cần bồi bổ, cải thiện. Khi chưng yến với nồi nấu chậm, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Nhiệt độ lý tưởng để chưng yến bằng nồi nấu chậm là từ 80 – 85 độ C, tuyệt đối không chưng yến trên 100 độ C vì sẽ làm thất thoát các dưỡng chất quý giá có trong loại thực phẩm này.
- Các loại nồi nấu chậm hiện nay thường được tích hợp tính năng chưng yến, do đó bạn chỉ cần chọn chế độ này để nồi tự hoạt động là được
- Trong quá trình chế biến yến, tùy theo loại tổ yến mà bạn lựa chọn thời gian ngâm yến thích hợp, không phải cứ ngâm và chưng càng lâu thì sẽ càng tốt. Yến sào chỉ cần ngâm trong thời gian vừa phải, chưng khoảng 45 – 60 phút với nồi nấu chậm là được.
- Trong quá trình chưng yến, bạn không nên thường xuyên mở nắp nồi để kiểm tra, điều này sẽ khiến nồi dễ mất nhiệt, khiến món ăn không đạt được độ nhừ như bạn mong muốn và có thể khiến thời gian nấu kéo dài lâu hơn.
- Chúng ta có thể kết hợp tổ yến chưng với táo đỏ, hạt sen, long nhãn, bí đỏ, bạch quả… với nồi nấu chậm. Tuy nhiên, bạn nên sơ chế trước các thực phẩm này để quá trình nấu được thuận lợi, đồng thời cũng giúp món ăn trở nên thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Nhìn chung, chưng yến bằng nồi nấu chậm là một trong những phương pháp chế biến đơn giản, dễ thực hiện mà lại có thể giữ được trọn vẹn dưỡng chất có trong yến sào cùng các thực phẩm chưng cùng. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên lựa chọn nồi nấu chậm và yến sào ở những địa chỉ uy tín, đáng tin cậy, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn cách chưng yến bằng nồi cơm điện cực đơn giản
- Ăn yến vào lúc nào là tốt nhất để cơ thể hấp thu dinh dưỡng triệt để
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!