10 Cách Chưng Yến Đơn Giản, Bổ Dưỡng Đừng Bỏ Qua
Yến sào là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, có thể dùng được với nhiều đối tượng với tác dụng bồi bổ, phục hồi thể trạng, nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật. Chúng ta có thể kết hợp cùng một số nguyên liệu để tạo ra món yến chưng thơm ngon, hấp dẫn. Ở bài viết dưới đây, Yến sào Vietfarm sẽ gợi ý cho bạn đọc 10 + cách chưng yến đơn giản, bổ dưỡng giúp chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Hướng dẫn cách chưng yến thơm ngon, bổ dưỡng
Yến tươi được ngâm qua nước để yến nở nhằm thuận tiện cho việc nhặt lông, làm sạch tạp chất, tuy nhiên, yến vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng của mình. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm này. Nếu bạn chưa biết cách chưng yến tươi như thế nào tốt, đúng cách thì có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Cách chưng yến bằng phương pháp chưng cách thủy
Chưng yến tươi cách thủy là phương pháp truyền thống, giúp giữ được trọn vẹn dưỡng chất có trong yến. Với cách làm này, chúng ta chỉ cần sử dụng một chiếc nồi có nắp đậy cùng chén hoặc thố chưng yến là được.
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước trong 10 phút, sau đó lọc qua rây, bỏ phần nước cũ, rửa lại với nước tinh khiết, lọc qua rây, để ráo nước
- Cho yến vào thố hoặc bát/chén sứ có nắp đậy, thêm nước cho ngập yến, đặt 1 chiếc nồi lên bếp, lót khăn sạch dưới đáy nồi, đặt thố chưng lên trên, đổ nước cho ngập 1/3 chén hoặc thố chưng
- Đun ở lửa nhỏ trong 30 phút (nếu thích ăn mềm thì có thể đun 35 – 40 phút) để yến chín, tuyệt đối không chưng yến trong thời gian quá lâu.
- Sau 30 phút, cho đường phèn (lượng vừa ăn, tùy vào khẩu vị), khuấy đều, đậy nắp, tiếp tục chưng khoảng 5 phút rồi tắt bếp, thưởng thức.
2. Cách chưng yến tươi bằng nồi cơm điện
Bên cạnh nồi chưng chuyên dụng, chúng ta cũng có thể sử dụng nồi cơm điện để chưng yến. Đây là thiết bị quen thuộc, có trong gian bếp của mỗi gia đình. Nếu không có nồi điện chưng yến chuyên dụng, bạn có thể tạm thời sử dụng nồi cơm điện để chưng yến.
Cách thực hiện:
- Ngâm yến sào tươi với nước trong 5 – 10 phút, lọc yến qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ, để ráo nước
- Cho yến vào thố chưng chuyên dụng hoặc chén/bát có nắp đậy, đổ nước sạch vào cho ngập yến, lưu ý không đổ quá nhiều nước để tránh nước tràn ra ngoài
- Đặt thố chưng yến vào nồi cơm điện, đổ nước cho ngập khoảng 1/3 thố, đậy nắp, bật chế độ cooking
- Thời gian chưng bằng nồi cơm điện là khoảng 20 phút, sau đó bạn mở nắp, cho đường phèn và vài lát gừng vào, chưng thêm khoảng 5 phút rồi lấy yến ra, thưởng thức.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách chưng yến bằng nồi cơm điện cực đơn giản
3. Cách chưng yến tươi với nồi điện chuyên dụng
Sử dụng nồi điện chưng yến chuyên dụng được đánh giá là phương pháp chưng giúp giữ được trọn vẹn giá trị dinh dưỡng có trong tổ yến. Cách chưng yến bằng nồi điện chuyên dụng này cũng tương đối đơn giản, không có gì phức tạp lại tiện lợi, dễ thực hiện nên bạn hoàn toàn có thể áp dụng để chưng yến tại nhà.
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước trong 5 – 10 phút cho nở, lọc yến qua rây, bỏ đi phần nước ngâm cũ, để cho ráo nước
- Cho yến vào thố chưng, đổ nước cho ngập yến, nếu nồi nhỏ thì sử dụng lượng yến vừa phải, chỉ đổ nước khoảng 80% để tránh tình trạng yến nở tràn ra nồi. Đặt thố vào trong nồi có chứa sẵn nước, chưng trong 20 phút, ở nhiệt độ không quá 100 độ C
- Sau khi chưng được 20 phút thì thêm đường phèn và vài lát gừng tươi vào, đậy nắp chưng thêm 5 phút. Nếu thích ăn yến mềm thì có thể chưng thêm 15 – 20 phút nữa rồi rút phích cắm, lấy thố hoặc múc yến ra ngoài và thưởng thức.
Ngoài ra, có một số nồi chưng yến chuyên dụng được tích hợp sẵn các chức năng chưng phù hợp. Bạn chỉ cần ngâm yến cho nở, đổ nước vào nồi theo mức đánh dấu, cho yến vào thố, thêm nước đậy lại và đặt vào nồi. Tiếp đó, chúng ta chỉ cần cắm điện, điều chỉnh chức năng chưng yến, tùy vào khẩu vị mà chọn chế độ Low, High hoặc Auto tùy thích.
4. Cách chưng yến tươi bằng nồi nấu chậm
So với thố điện chưng yến chuyên dụng, việc chưng yến với nồi nấu chậm cũng không có quá nhiều khác biệt, bởi phương pháp này cũng giúp giữ lại trọn vẹn dưỡng chất có trong yến. Nồi nấu chậm giúp thực phẩm chính ở nhiệt độ vừa phải, không bị phân hủy hay xảy ra các phản ứng hóa học do việc nấu ở nhiệt độ cao, từ đó giúp thực phẩm trở nên thơm ngon, bổ dưỡng hơn.
Cách thực hiện:
- Yến tươi ngâm với nước khoảng 5 – 10 phút cho nở mềm, lọc qua rây, bỏ phần nước ngâm cũ, cho yến vào thố chưng, đổ nước cho ngập mặt yến
- Đặt thố chưng yến vào nồi nấu chậm, đổ nước cho ngập 1/3 hoặc 1/2 thố yến, đậy nắp, chưng trong 40 – 45 phút
- Sau đó cho đường phèn và vài lát gừng tươi vào, đậy nắp, chưng tiếp khoảng 5 – 10 phút rồi tắt bếp, thưởng thức.
Gợi ý 10 + cách làm món yến chưng đơn giản, bổ dưỡng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yến sào có chứa hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, bao gồm vitamin, acid amin, khoáng chất với khả năng nâng cao sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch, kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường và phòng tránh nhiều loại bệnh tật. Yến chưng là món ăn bổ dưỡng, có thể dùng được cho nhiều đối tượng từ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mới phẫu thuật, cần phục hồi thể trạng.
Dưới đây là 10 + cách chưng yến đơn giản và ngon nhất mà Yến sào Vietfarm chia sẻ, bạn đọc có thể tham khảo:
Yến chưng đường phèn
Được biết đường phèn thường được tạo ra từ cây cọ, cây thốt nốt, củ cải, chứa hàm lượng lớn saccharose, khoáng chất và nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe, đặc biệt hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm họng, bổ thận, bổ khí huyết, trị ho rất tốt. Yến chưng đường phèn là món ăn phù hợp với những người mới ốm dậy với khả năng nâng cao sức khỏe tổng thể.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên bạn cần chuẩn bị 5g tổ yến tinh chế, đường phèn và gừng.
- Tổ yến mang ngâm cùng nước sạch trong khoảng 30 phút để nở mềm, bạn dùng rây lọc yến để ráo, tách thành sợi vừa ăn.
- Tiếp đến cho yến đã sơ chế vào bát sứ hoặc thố chưng chuyên dụng, cho nước ngập ½ thố, đậy kín nắp rồi chưng cách thủy.
- Chú ý ban đầu bật lửa lớn đến khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa và đun trong 20 phút.
- Sau cùng bạn cho lượng đường phèn vừa đủ ăn cùng gừng tươi thái lát, chưng thêm 5 phút và tắt bếp, có thể ăn khi còn ấm hoặc bảo quản tủ lạnh dùng dần.
Cách chưng yến sào với táo đỏ
Táo đỏ là nguyên liệu phổ biến trong Đông y, đặc biệt tốt cho sức khỏe tổng thể. Trong táo đỏ chứa rất nhiều vitamin C, flavonoid, axit triterpenoid, polysaccharide, phenolic với khả năng chống viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng, nâng cao hệ miễn dịch. Sự kết hợp giữa yến sào và táo đỏ mang đến món ăn có hương vị đặc biệt, vừa hỗ trợ nâng cao chức năng của hệ tiêu hóa, vừa cải thiện chất lượng giấc ngủ, ổn định chức năng của hệ tim mạch. Yến chưng táo đỏ có cách thực hiện vô cùng đơn giản, do đó bạn có thể thực hiện ngay tại nhà.
Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 5g yến sào tinh chế, 10g đường phèn, 20g táo đỏ.
- Bạn ngâm yến trong nước sạch khoảng 30 phút để yến nở đều, dùng rây lọc yến, loại bỏ nước rồi chờ ráo và tách sợi dọc theo chiều sợi yến.
- Với táo đỏ thì rửa sạch, ngâm khoảng 3 phút rồi cho vào nồi, thêm 200ml nước để đun sôi trong 10 phút.
- Tiếp đến cho yến và táo đỏ vào thố chưng chuyên dụng, đổ phần nước luộc táo vào, chưng cách thủy trong khoảng 20 phút với lửa vừa.
- Cuối cùng cho đường phèn vừa ăn, khuấy đều, đun thêm 5 phút rồi tắt bếp và thưởng thức ngay.
Kết hợp cùng hạt chia
Tổ yến chưng khi kết hợp cùng hạt chia sẽ cho bạn món ăn thanh mát với công dụng thanh nhiệt, giải độc, loại bỏ độc tố bên trong cơ thể, thích hợp để sử dụng vào những ngày hè nắng nóng. Hạt chia giàu chất xơ, thành phần chống oxy hóa, nhất là omega 3-6-9 cao gấp 8 lần cá hồi nên mang đến tác dụng làm đẹp da, cho tóc chắc khỏe, ổn định sức khỏe tim mạch, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa béo phì và giảm lượng cholesterol trong máu.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 10g tổ yến tinh chế, 2 thìa hạt chia và đường phèn.
- Yến sào tinh chế ngâm nước trong 30 phút để yến nở đều, vớt ra để ráo và tách yến theo chiều sợi yến.
- Với hạt chia bạn ngâm nước lạnh trong khoảng 15 phút để hạt nở đều.
- Lúc này cho yến vào thố chuyên dụng hoặc chén sứ lớn, đổ khoảng 500ml nước vào, chưng lửa vừa trong khoảng 30 phút.
- Tiếp tục thêm đường phèn với liều lượng vừa ăn, khuấy đều và chưng thêm 5 phút thì tắt bếp.
- Bạn múc yến ra chén, cho hạt chia vào, khuấy nhẹ rồi thưởng thức, có thể cho yến chưng hạt chia vào lọ thủy tinh bảo quản tủ lạnh và ăn dần.
Yến chưng long nhãn
Long nhãn có vị ngọt, tính ấm, giúp bổ khí huyết, an thần, thường được dùng trong các trường hợp suy nhược, mất ngủ, hay quên,… Kết hợp long nhãn với yến sào giúp món ăn thêm bổ dưỡng, tăng cường hiệu quả cải thiện sức khỏe, tốt cho cả người lớn tuổi lẫn người đang hồi phục sau bệnh.
Cách thực hiện:
- Ngâm nở, làm sạch yến sào.
- Nếu dùng long nhãn khô, rửa sạch, ngâm nở. Nếu dùng long nhãn tươi thì chỉ cần rửa qua rồi để ráo.
- Chưng yến với đường phèn cho đến khi yến chín mềm.
- Cho long nhãn vào, chưng thêm khoảng 5-7 phút (không đun lâu làm mất dưỡng chất của long nhãn)
- Tắt bếp, dùng nóng hoặc bảo quản lạnh.
Chưng với nhân sâm bổ dưỡng
Yến chưng nhân sâm cực kỳ bổ dưỡng bởi có sự kết hợp của 2 nguyên liệu quý là yến sào và nhân sâm. Nhân sâm chứa các thành phần như saponin, acid béo, polyacetylenes, peptide, polysaccharides, phytosterol và rất nhiều vitamin, khoáng chất khác có thể tăng cường hệ miễn dịch, ổn định hệ thần kinh, điều trị tiểu đường, ngăn ngừa ung thư, ổn định cholesterol trong máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Để đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất, bạn phải biết chưng yến đúng cách.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị các nguyên liệu như 5g tổ yến tinh chế, đường phèn, 2g nhân sâm Hàn Quốc.
- Với tổ yến cần ngâm với nước lạnh trong vòng 30 phút để nở đều, sau đó dùng rây lọc yến ra, chờ ráo thì tách sợi dọc theo chiều dài sợi yến.
- Nhân sâm rửa sạch, thái lát, cho vào thố chưng chuyên dụng cùng yến đã sơ chế, thêm 250ml nước lọc, đậy kín nắp rồi mang chưng cách thủy.
- Cách chưng yến tốt nhất là từ 25 – 30 phút trên lửa vừa.
- Cuối cùng bạn thêm một lượng đường phèn vừa đủ, khuấy đều, đun thêm 5 phút thì tắt bếp và thưởng thức.
Yến chưng bạch quả
Có thể bạn chưa biết, yến chưng bạch quả cũng là món ăn hấp dẫn, lạ miệng, cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể. Theo ghi chép của Y học cổ truyền, bạch quả có tác dụng ôn phế ích khí, trừ đờm, giảm ho, trị hen,… Các nghiên cứu của Y học hiện đại cũng chỉ ra rằng bạch quả có khả năng cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa tình trạng sa sút trí tuệ, thiểu năng tuần hoàn mái, trầm cảm, viêm tắc mạch máu. Sử dụng món yến chưng bạch quả thường xuyên sẽ giúp chống lại hoạt động của gốc tự do, ổn định chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 5g yến sào tinh chế, 7 quả bạch quả và đường phèn.
- Yến sào tinh chế ngâm nước lọc trong khoảng 30 phút đến khi nở thì vớt ra, tách yến thành sợi vừa ăn.
- Bạch quả đập vỡ phần vỏ ngoài, dùng dao lột vỏ lụa bên trong, đồng thời khoét lỗ nhỏ ở đầu hạt và dùng tăm để loại bỏ tim của quả.
- Tiếp đến cho bạch quả vào nồi, thêm 300ml nước để luộc trong khoảng 10 phút cho mềm, rớt ra để ráo nước.
- Lúc này cho yến sào vào thố chuyên dụng, đổ nước ngập mặt yến, chưng cách thủy trong khoảng 30 phút thì cho bạch quả, đường phèn vào, khuấy đều, chưng tiếp 10 phút thì tắt bếp.
Cách chưng yến ngon với hạt sen bổ dưỡng
Hạt sen có chứa hàm lượng lớn protein, photpho, magie, kali, tốt cho sức khỏe với khả năng an thần, chữa mất ngủ, giảm căng thẳng, chống suy nhược cơ thể, ổn định hệ thần kinh và kích thích ăn uống ngon miệng hơn. Cách làm yến chưng cùng hạt sen khá đơn giản, thích hợp sử dụng với người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ.
Đừng bỏ qua: Cách chưng yến cho mẹ sau sinh nhiều sữa, nhanh hồi phục
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị 5g tổ yến tinh chế, 15g hạt sen, đường phèn.
- Tổ yến ngâm trong nước khoảng 30 phút để nở mềm, sau đó bạn tách tơi sợi yến vừa ăn.
- Hạt sen rửa sạch, bỏ tim sen rồi cho vào nồi để đun trong khoảng 20 phút đến khi chín mềm.
- Bạn cho yến vào chén sứ hoặc thố chuyên dụng, thêm 200ml nước và chưng cách thủy trong vòng 30 phút.
- Lúc này thêm hạt sen, đường phèn vừa khẩu vị, khuấy đều, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp.
Yến chưng saffron
Saffron (nhụy hoa nghệ tây) chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa mạnh, được cho là có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng,…Món yến chưng saffron đặc biệt ở màu vàng cam bắt mắt cùng hương thơm đặc trưng của saffron, hứa hẹn tác dụng bồi bổ và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị yến tinh chế (đã làm sạch), 5-10 sợi saffron, đường phèn, nước sạch.
- Ngâm yến trong nước sạch đến khi nở mềm (khoảng 20-30 phút)
- Nhặt sạch lông và tạp chất còn lại trong yến.
- Cho yến vào thố chưng cách thủy khoảng 20 phút.
- Tắt bếp, thêm saffron, đường phèn tùy khẩu vị, đậy nắp thố chưng thêm 5-7 phút đến khi saffron ra màu.
Yến chưng trùng thảo
Nếu chưa biết cách làm yến chưng như thế nào để bổ dưỡng, bạn có thể kết hợp cùng đông trùng hạ thảo. Yến chưng đông trùng hạ thảo có giá trị cao vì cung cấp hàm lượng dưỡng chất quý cho cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, ổn định đường huyết, chống lão hóa, tăng cường chức năng sinh lý cho cả nam, nữ, đặc biệt hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa bệnh tật.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên cần chuẩn bị 5g tổ yến tinh chế, 5 con đông trùng hạ thảo, 10g đường phèn.
- Yến sào bạn ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút thì dùng rây vớt ra, để ráo, sau đó tách thành từng sợi vừa ăn.
- Trùng thảo bạn ngâm nước ấm khoảng 5 phút để mềm ra.
- Lúc này cho yến đã sơ chế vào thố chưng chuyên dụng, chưng cách thủy trong khoảng 20 phút thì cho trùng thảo vào chưng 10 phút.
- Cuối cùng bạn thêm đường phèn với lượng vừa ăn, khuấy đều, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, có thể ăn ngay khi còn ấm hoặc cho vào lọ thủy tinh bảo quản tủ lạnh và dùng dần.
Cách chưng tổ yến với lê ngọt
Một trong các cách chưng yến tốt nhất mà bạn không nên bỏ qua đó là chế biến cùng lê ngọt. Lê có tính mát, vị ngọt thanh, thường được dùng để giảm ho, đau rát họng, thích hợp với những người đang gặp vấn đề với hệ hô hấp như ho khan, ho có đờm,… Yến chưng lê là món ăn giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, cung cấp hàm lượng dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể, đặc biệt trị ho rất tốt cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 4g yến sào tinh chế, 1 quả lê to, đường phèn và gừng.
- Trước hết ngâm yến trong nước lạnh khoảng 30 phút, dùng rây vớt ra, để ráo, tách sợi vừa ăn.
- Lê cũng rửa sạch, khoét lấy phần ruột bên trong để tạo thành hình dáng một cái thố nhỏ có nắp đậy.
- Bạn cho yến đã sơ chế vào quả lê, thêm nước vừa đủ, đậy kín nắp rồi chưng cách thủy với lửa nhỏ trong khoảng 30 phút.
- Tiếp tục cho đường phèn với lượng vừa ăn vào, khuấy đều, đun trong 5 phút để đường tan.
- Bạn tắt bếp, cho yến ra thưởng thức khi còn ấm.
Kết hợp với mật ong
Mật ong từ lâu đã được biết đến là mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ chứa các thành phần như vitamin B2, B3, B6, canxi, kali, photpho, kẽm. Nguyên liệu này hỗ trợ cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, chữa ho khan, ho có đờm, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện thị lực, hỗ trợ điều trị bệnh lý dạ dày, đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương. Bạn có thể kết hợp yến chưng với mật ong với công thức vô cùng đơn giản và hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 10g tổ yến tinh chế, 2 thìa mật ong, gừng tươi.
- Yến sào tinh chế được mang đi ngâm với nước trong khoảng 30 phút, tiếp đó bạn lọc yến qua rây, chờ ráo nước thì tách thành sợi nhỏ.
- Cho yến vào thố chuyên dụng hoặc bát sứ, chưng cách thủy trong vòng 30 phút.
- Sau đó bạn tiếp tục cho mật ong vào trộn đều, cho gừng tươi thái sợi và đun thêm 5 phút với lửa nhỏ rồi tắt bếp và thưởng thức. Phần yến còn lại cho vào hũ thủy tinh để bảo quản tủ lạnh dùng dần.
Cách chưng yến sào với lá dứa
Yến chưng lá dứa là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị dinh dưỡng của tổ yến cùng hương vị thanh mát đặc trưng của lá dứa (lá nếp). Không chỉ là món ăn bổ dưỡng, yến chưng lá dứa còn có thể hỗ trợ giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cách thực hiện:
- Cho lá dứa đã rửa sạch vào thố chưng cùng đường phèn, gừng (nếu thích) và nước.
- Chưng cách thủy đến khi tạo thành hỗn hợp nước lá dứa.
- Thêm tổ yến đã sơ chế vào chưng tiếp khoảng 20 phút.
Hướng dẫn cách chưng yến với sữa tươi đơn giản
Chưng yến với sữa tươi là món ăn bổ dưỡng cho bé giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt, mang đến cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật.
Cách thực hiện:
- Bạn lấy 5g yến sào tinh chế, sữa tươi không đường và đường phèn.
- Yến ngâm cùng nước đến khi nở đều, khoảng 30 phút, sau đó dùng rây lọc bỏ nước, chờ ráo thì tách sợi.
- Lúc này bạn cho yến vào thố chưng chuyên dụng, thêm sữa tươi sao cho ngập phần yến, chưng cách thủy trong vòng 30 phút với lửa vừa.
- Sau cùng cho thêm đường phèn vào, khuấy đều và chưng tiếp 5 phút rồi tắt bếp, ăn khi ấm hoặc bảo quản tủ lạnh dùng dần.
Yến sào chưng nước dừa
Yến chưng nước dừa là một cách chế biến yến sào độc đáo, mang đến hương vị thơm ngon đặc biệt cho người thưởng thức. Sự kết hợp giữa tổ yến giàu dưỡng chất cùng nước dừa thanh mát, ngọt nhẹ tự nhiên đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như bù nước hiệu quả, kháng viêm, chống oxy hóa, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh…
Cách thực hiện:
- Cho nước dừa tươi vào thố chưng, thêm một vài lát gừng tươi đã đập dập để tăng hương vị.
- Đặt tổ yến đã sơ chế vào thố, thêm lượng đường phèn phù hợp khẩu vị.
- Đặt thố chưng yến vào nồi, tiến hành chưng cách thủy. Lưu ý mực nước trong nồi ngập khoảng 1/2 – 2/3 thố chưng.
- Đun sôi nước trong nồi, sau đó hạ nhỏ lửa. Chưng khoảng 20 phút đến khi yến chín mềm. Tắt bếp và thưởng thức.
Cách chưng yến với gừng
Yến chưng gừng là một trong những phương thức chế biến yến sào phổ biến. Tận dụng tính ấm từ gừng tươi giúp món yến chưng thêm hiệu quả với người sợ lạnh, người lớn tuổi, cần bổ sung dương khí. Món ăn giúp cải thiện tiêu hóa, giảm đầy bụng, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tuần hoàn máu, giảm các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt tốt với người bị ho, hen suyễn.
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, thái lát mỏng hoặc giã dập
- Ngâm tổ yến trong nước sạch đến khi mềm (khoảng 20-30 phút) rồi nhẹ nhàng loại sạch tạp chất còn sót.
- Cho tổ yến, gừng tươi và lượng nước vừa đủ vào thố chưng chuyên dụng.
- Chưng cách thủy từ 20-30 phút trên lửa nhỏ. Nên kiểm tra độ chín của yến bằng cách quan sát sợi yến nở đều, mềm, màu hơi trong.
- Tùy khẩu vị, cho thêm một lượng đường phèn vừa ăn, khuấy nhẹ cho tan và thưởng thức.
Cách nấu yến chưng bí đỏ
Yến chưng bí đỏ là một món ăn vừa thơm ngon lại kết hợp dược tính của hai nguyên liệu bổ dưỡng bậc nhất. Tổ yến chứa hơn 30 vi chất: sắt, canxi, kali,…giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường đề kháng, tốt cho da và xương khớp, hỗ trợ người mới ốm dậy. Bí đỏ giàu Vitamin A, tiền chất beta-carotene tốt cho thị lực, hệ miễn dịch, có lợi cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ ổn định đường huyết. Sự kết hợp này mang đến công dụng vượt trội cho sức khỏe nhiều lứa tuổi.
Cách thực hiện:
- Cho yến đã sơ chế vào thố chưng, thêm nước vừa đủ ngập, thêm vài lát gừng tươi (tùy ý), chưng cách thủy khoảng 20 phút cho yến chín mềm.
- Cho một lượng bí đỏ nhuyễn phù hợp vào thố, thêm đường phèn, tiếp tục chưng đến khi hỗn hợp hòa quyện.
- Tắt bếp, dùng nóng hoặc bảo quản lạnh để thưởng thức dần.
Những lưu ý quan trọng khi chế biến và sử dụng yến chưng
Yến sào là thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao, tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bạn phải biết cách chưng yến đúng cách mới đảm bảo dưỡng chất và tránh gây hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng cũng cần chú ý liều lượng:
- Không chưng yến trong thời gian quá lâu, tối đa là 30 – 40 phút vì chưng càng lâu, dưỡng chất trong yến càng dễ mất đi.
- Không nên bỏ đường phèn cùng lúc với yến để tránh sợi yến bị cứng và giảm hương vị của món ăn.
- Sử dụng yến với liều lượng phù hợp, 0,5 – 2g/ngày và 3 lần/tuần với trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi, 2 – 3g/ngày và 3 lần/tuần với trẻ từ 3 – 10 tuổi, 3 – 5g/ngày và 3 – 4 lần/tuần với trẻ trên 10 tuổi và người lớn.
- Thời điểm tốt nhất để ăn yến chưng là sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng.
- Phần yến không ăn hết trong ngày có thể bảo quản tủ lạnh để dùng trong vòng 4 – 5 ngày tiếp theo.
- Khi làm món yến chưng, bạn nên lựa chọn yến cùng các nguyên liệu kết hợp cẩn thận, tìm mua ở địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng tuyệt đối.
- Chú ý những đối tượng không được khuyến khích dùng yến là trẻ dưới 7 tháng tuổi, người bị viêm da, viêm nhiễm tiết niệu, viêm phế quản cấp, sốt thực nhiệt,…
- Yến sào chưng chỉ là thực phẩm hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, không thể thay thế thuốc chữa bệnh hay các món ăn hàng ngày.
Có rất nhiều cách chưng yến khi kết hợp cùng những nguyên liệu khác nhau, do vậy bạn có thể tham khảo và áp dụng một trong những công thức nêu trên để tạo ra được món ăn bổ dưỡng nhất. Cần chú ý thận trọng trong quá trình chế biến, sử dụng để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật.
Có thể bạn quan tâm:
- Chưng yến bao lâu để giữ được trọn vẹn các dưỡng chất quý
- Ăn yến vào lúc nào là tốt nhất để cơ thể hấp thu dinh dưỡng triệt để
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!