Chia Sẻ 5 Cách Chưng Chân Yến Đơn Giản, Ăn Cực Ngon

Chân yến là một trong những bộ phận quan trọng của tổ yến, là phần được chim yến làm đầu tiên để giúp cố định tổ. Thông thường, chân yến có kết cấu dạng khối đặc, thời gian ngâm nở lâu nhưng bù lại đây là phần giòn, dai, có mùi thơm đặc trưng, được nhiều người đánh giá là ngon nhất trong tổ yến. Cách chưng chân yến cũng tương đối giống với các bộ phận khác trên tổ, chỉ khác về thời gian ngâm nở và thời gian chưng.

Cách sơ chế chân yến trước khi chưng

Chân yến thường được bán không nhiều do đa phần người bán sẽ cố gắng giữ cho tổ yến được nguyên vẹn nhằm bán yến với giá cao hơn. Tuy nhiên, do quá trình khai thác không cẩn thận hoặc do tổ yến được sử dụng đến làm yến tinh chế nên phần chân yến được loại ra, bán riêng. Phần chân yến này được rất nhiều người yêu thích do có hương vị đậm đà, sợi yến giòn dai, thơm ngon, rất thích hợp với những người thích sợi yến già, dai, giòn.

Chân yến thường phải ngâm lâu hơn so với các loại tổ yến khác
Chân yến thường phải ngâm lâu hơn so với các loại tổ yến khác

So với tổ yến tinh chếtổ yến thô, giá bán của chân yến thường thấp hơn nhưng không chênh lệch lớn. Do chân yến được làm trước tiên, cần dày chắc để giúp tổ yến có thể bám dính tốt vào vách đá, tường nên phần này có kết cấu dạng khối, ít lẫn bụi bẩn và tạp chất, độ nở cũng nhiều hơn so với các loại yến khác. Tuy nhiên, thời gian ngâm nở và kết cấu cấu sợi ngắn, dễ bị nhầm lẫn với yến vụn khi được ngâm nở.

Cách sơ chế chân yến trước khi chưng để giúp món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn như sau:

  • Đối với chân yến tinh chế: Loại này đã được ngâm nở để làm sạch lông yến và tạp chất nên chỉ cần ngâm trong thời gian ngắn là được, bạn có thể ngâm trong 40 – 60 phút để chân yến nở. Sau đó, lọc yến qua rây, để cho ráo nước, đổ bỏ phần nước ngâm đi là có thể sử dụng được.
  • Đối với chân yến thô: Ngâm chân yến với nước lọc trong 1 – 2 tiếng, sau khi sợi yến rã ra thì dùng rây để lọc, rửa yến với nước khoảng 3 – 4 lần cho sạch bụi bẩn, tạp chất. Trường hợp thấy cọng lông yến nhỏ, bạn dùng nhíp gắp sạch lông, nhúng vào một tô nước sạch để lông yến không bám trên nhíp. Một số trường hợp, chân yến phải ngâm từ 3 – 4 tiếng thì mới nở đều. Bạn nên kiểm tra độ nở của yến để điều chỉnh thời gian ngâm phù hợp. Tuy nhiên, cũng không nên ngâm quá lâu để tránh khiến yến bị mất chất, không còn dai ngon như mong muốn.

5 Cách chưng chân yến đơn giản, thơm ngon, bổ dưỡng

Chân yến với các bộ phận khác của tổ yến không có sự khác biệt quá lớn trong cách chế biến. Một tổ yến gồm có 3 phần là sợi yến, xơ mướp yến và phần chân yến. Trong đó, chân yến là phần già nhất của tổ, sợi ngắn nhất, cũng là phần có độ giòn, dai cao nhất. Xét về cách chế biến, trừ việc chân yến phải ngâm nở và chưng lâu hơn thì cách chưng chân yến không khác gì với các loại tổ yến khác như yến tinh chế, yến rút lông nguyên tổ

Sau đây là 5 cách chưng chân yến có cách làm đơn giản nhưng hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao Yến sào Vietfarm tổng hợp mà bạn có thể tham khảo:

1. Cách chưng chân yến với đường phèn

Chân yến chưng với đường phèn được xem là cách làm đơn giản nhất, hầu như bất kỳ ai cũng có thể chế biến món ăn này. Trường hợp bạn chưng yến cho người bệnh, nhất là người bị tiểu đường, đường huyết cao, huyết áp không ổn định, người thừa cân, mỡ máu muốn cải thiện vóc dáng thì nên chưng yến với đường kiêng là tốt nhất.

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g chân yến
  • Đường phèn
  • Gừng tươi

Cách thực hiện: 

  • Sơ chế chân yến như hướng dẫn, sau khi yến nở bạn lọc qua rây, tách yến thành sợi nhỏ theo chiều của sợi yến
  • Cho tổ yến vào thố chưng hoặc chén/bát có nắp đậy, đổ nước cho ngập yến, khoảng 200 – 250ml nước, đậy nắp
  • Cho thố chưng yến vào nồi, đổ nước vào nồi ngập khoảng 1/3 hoặc 1/2 thố chưng, đậy nắp, cho lên bếp, chưng cách thủy ở lửa nhỏ trong 40 phút
  • Sau đó mở nắp, cho đường phèn và vài lát gừng tươi cắt sợi vào yến, chưng thêm 5 phút rồi tắt bếp, dùng yến khi còn ấm hoặc cho vào hũ, đậy nắp, ướp lạnh để sử dụng đều được.

Trường hợp bạn chưng bằng nồi chưng yến chuyên dụng thì đổ nước đến mức 3.5h – 5h trong nồi chưng. Tiếp đó cho chén yến vào, chọn thời gian là 45 – 90 phút. Cuối cùng, cho đường phèn và vài lát gừng tươi vào, chưng thêm 5 phút rồi tắt bếp.

Xem thêm: Cách chưng yến cho người tiểu đường và lưu ý từ chuyên gia

2. Cách chưng chân yến với táo đỏ hạt chia

Táo đỏ và hạt chia đều là những nguyên liệu tốt cho sức khỏe. Yến chưng táo đỏ hạt chia có tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể, hỗ trợ nhuận tràng, cải thiện tiêu hóa. Đây cũng là món ăn có tác dụng dưỡng nhan rất tốt, có thể nâng cao sức khỏe và cải thiện sắc đẹp của phái đẹp

Chân yến chưng táo đỏ hạt chia là món ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa
Chân yến chưng táo đỏ hạt chia là món ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa

Nguyên liệu: 

  • 3 – 5g chân yến
  • 4 – 5 quả táo đỏ
  • 6g hạt chia
  • Đường phèn
  • Lá dứa (có thể có hoặc không)

Sơ chế nguyên liệu:

  • Sơ chế chân yến như hướng dẫn, sau khi yến nở thì lọc qua rây, tách yến thành sợi để dễ sử dụng
  • Táo đỏ ngâm với nước khoảng 30 phút cho nở mềm, vớt ra, cắt đôi hoặc cắt thành lát nhỏ
  • Hạt chia ngâm với nước lọc trong 10 – 15 phút; lá dứa rửa sạch, cuộn thành bó

Cách chưng chân yến với táo đỏ, hạt chia:

  • Cho 250 – 350ml nước lọc vào nồi, thả lá dứa vào, bắc lên bếp, đun ở lửa nhỏ trong 30 phút cho sôi
  • Sau đó cho táo đỏ đã ngâm nở vào, đun thêm 10 phút ở lửa nhỏ rồi tắt bếp, đợi cho nước nguội
  • Cho chân yến vào thố chưng hoặc chén/bát có nắp đậy, đổ phần nước lá dứa và táo đỏ vào, đậy nắp, cho thố chưng vào nồi, đổ nước sao cho không ngập quá 1/2 tô yến, đậy nắp nồi rồi bắc lên bếp chưng
  • Thời gian chưng chân yến là 40 – 60 phút tùy khẩu vị. Sau đó, bạn cho đường phèn vào, tiếp tục chưng thêm 5 phút rồi tắt bếp
  • Nhấc tô yến ra ngoài, trộn phần hạt chia đã được ngâm nở vào, thưởng thức khi còn nóng hoặc cho yến vào hũ thủy tinh, để nguội rồi ướp lạnh để sử dụng đều được.

3. Cách chưng chân yến với đông trùng hạ thảo

Chân yến chưng đông trùng hạ thảo là món ăn đặc biệt bổ dưỡng, vô cùng tốt cho sức khỏe mà bạn không nên bỏ qua. Thành phần chính của món này là đông trùng hạ thảo và yến sào. Trong đó, đông trùng hạ thảo rất giàu dưỡng chất, chứa đến 17 loại acid amin, rất nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng. Hơn hết, trong dược liệu này còn chứa các thành phần có hoạt tính sinh học như acid cordycepic, hydroxyethyl adenosine, adenosine, D-mannitol, dinh dưỡng nhóm HEAA… Cách chưng chân yến với đông trùng hạ thảo cũng hết sức đơn giản, không hề rườm rà, phức tạp.

Bạn có thể chưng chân yến với đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe
Bạn có thể chưng chân yến với đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g chân yến
  • 4 – 5 sợi đông trùng hạ thảo
  • Đường phèn

Cách thực hiện:

  • Sơ chế yến sào như hướng dẫn, sau khi chân yến nở, lọc yến qua rây, tách thành sợi nhỏ để dễ sử dụng; đông trùng hạ thảo rửa sạch
  • Cho yến sào và đông trùng hạ thảo vào thố chưng yến hoặc chén/bát nhỏ có nắp đậy, thêm lượng nước vừa phải, khoảng 200ml rồi đậy nắp
  • Đặt thố chưng yến vào nồi, đổ nước cho ngập khoảng 1/3 hoặc 1/2 thố, đậy nắp nồi, chưng cách thủy trong 40 phút ở lửa nhỏ
  • Sau đó cho một ít đường phèn (theo khẩu vị) vào, chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức nóng hoặc ướp lạnh để dùng đều được.

Lưu ý: Chân yến chưng đông trùng hạ thảo không thích hợp sử dụng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, trẻ em dưới 5 tuổi, người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa hay người mới thực hiện phẫu thuật…

Xem thêm: 7 Công Thức Yến Chưng Đông Trùng Hạ Thảo Hấp Dẫn Nhất

4. Cách chưng chân yến với hạt sen bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe

Chúng ta có thể chỉ chưng chân yến với hạt sen hoặc kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như táo đỏ, long nhãn (nhãn nhục), câu kỷ tử đều được. Chân yến chưng cùng các nguyên liệu này rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Long nhãn, hạt sen, táo đỏ, câu kỷ tử được gọi là “tứ vị”, là 4 nguyên liệu thường được sử dụng để làm món tổ yến chưng. Ngoài ra, thay vì sử dụng câu kỷ tử, bạn cũng có thể dùng bạch quả thay thế, món ăn này được gọi là “yến chưng tứ bảo”.

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g chân yến
  • 7 – 10 hạt sen
  • 3 – 5 quả táo đỏ
  • 1 – 2 thìa cà phê câu kỷ tử
  • 7 long nhãn
  • Đường phèn

Sơ chế nguyên liệu: 

  • Chân yến ngâm với nước cho nở, sau khi nở thì lọc qua rây, đổ bỏ nước ngâm, để trên rây cho ráo nước
  • Táo đỏ ngâm với nước 30 phút cho nở; hạt sen rửa sạch, lột bỏ lớp áo bên ngoài (nếu có) và bỏ tim
  • Cho 300 – 350ml nước vào nồi, đun sôi, lần lượt cho hạt sen, táo đỏ và đun sôi cho đến khi hạt sen mềm thì tắt bếp, để cho nước này nguội đi
  • Chân yến cho vào thố chưng, chén hoặc bát có nắp đậy, đổ nước luộc hạt sen vào rồi cho các nguyên liệu như hạt sen (đã luộc), táo đỏ (cắt đôi hoặc cắt lát), câu kỷ tử, long nhãn vào, đậy nắp
  • Đặt thố chưng vào nồi, đổ nước cho ngập 1/3 hoặc 1/2 thố chưng, đậy nắp, đem chưng cách thủy ở lửa nhỏ, trong 40 – 60 phút
  • Sau đó cho đường phèn, vài lát gừng tươi cắt sợi vào, tiếp tục chưng thêm 5 phút thì tắt bếp, thưởng thức.

5. Cách chưng chân yến với saffron bổ dưỡng

Saffron là một trong những dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao, chứa hơn 150 chất, rất giàu vitamin và khoáng chất, có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm rất tốt. Yến chưng saffron là món ăn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngừa lão hóa, cải thiện sức khỏe làn da, hỗ trợ phòng ngừa ung thư rất tốt.

Nguyên liệu:

  • 3 – 5g chân yến
  • 10 sợi saffron
  • 3 quả táo đỏ
  • Đường phèn

Cách thực hiện:

  • Sơ chế chân yến như hướng dẫn, yến nở bạn lọc qua rây, đổ bỏ nước ngâm, tách yến thành sợi nhỏ để dễ sử dụng
  • Táo đỏ rửa sạch, ngâm với nước 30 phút cho nở mềm, sau đó vớt ra, cắt đôi hoặc cắt lát nhỏ
  • Cho yến sào và táo đỏ vào thố chưng yến hoặc chén/bát có nắp đậy, thêm lượng nước vừa đủ, đậy nắp, đặt thố vào nồi, đổ nước ngập 1/2 hoặc 1/3 thố chưng, đem chưng cách thủy trong 40 phút
  • Sau đó cho saffron, đường phèn, vài lát gừng tươi vào, chưng thêm 10 – 15 phút thì tắt bếp, thưởng thức.

Lưu ý: Yến chưng saffron là món ăn không thích hợp cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người bị rối loạn lưỡng cực, người mắc bệnh tim mạch hoặc người huyết áp cao. Đặc biệt, không nên sử dụng quá nhiều saffron để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Một số lưu ý khi chế biến và sử dụng chân yến

Có thể thấy, có rất nhiều cách chưng chân yến đơn giản, thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe mà chúng ta có thể tham khảo và thực hiện. Tuy nhiên, để món ăn này hấp dẫn, giữ được trọn vẹn dưỡng chất, mang đến hiệu quả tốt cho sức khỏe, trong quá trình chế biến và sử dụng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chân yến khác với tổ yến tinh chế ở chỗ sợi yến ngắn, kết cấu của chân yến dạng khối dày, chắc nên thời gian ngâm nở tương đối lâu. Bạn nên ngâm cho chân yến nở đều trước khi chưng, nếu không khi ăn sẽ có cảm giác yến bị lõi, không ngon.
  • Yến sào cần được chưng ở nhiệt độ thích hợp, thường từ 80 – 90 độ C, không nên chưng yến ở nhiệt độ quá cao sẽ khiến các dưỡng chất trong thực phẩm này bị bay hơi, không còn bổ dưỡng như trước nữa.
  • Các nguyên liệu chưng cùng yến tùy vào nguyên liệu mà chúng ta lựa chọn cách sơ chế phù hợp, nên nấu chín nguyên liệu trước rồi mới bỏ vào chưng với yến là tốt nhất
  • Đối với đường phèn và gừng nên bỏ vào sau cùng khi yến đã chín. Tuyệt đối không nên cho đường phèn vào chưng cùng yến, như vậy sẽ khiến yến bị sượng, không ngon.
  • Chân yến cũng rất dễ bị làm giả, do đó, bạn cần đặc biệt thận trọng khi mua loại yến này. Tốt nhất nên chọn mua ở những địa chỉ đáng tin cậy để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.
  • Yến sào cần sử dụng với liều lượng thích hợp, tốt nhất là từ 3 – 5g yến/lần với người lớn, dùng cách ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho sức khỏe.

Nhìn chung, có rất nhiều cách chưng chân yến đơn giản, dễ thực hiện mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Chân yến có kết cấu dạng khối, dày chắc, sợi ngắn, là phần già nhất của tổ yến, thích hợp sử dụng cho người trưởng thành, người thích vị giòn dai. Nếu bạn mua yến bồi bổ cho trẻ em, người già thì nên chọn các loại yến sợi mềm, mỏng vì chúng dễ ăn hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày đăng 13:20 - 07/07/2023 - Cập nhật lúc:10:39 sáng

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Anh Nguyễn Viết Dũng - 0988443556
Hà Nội
Cách đây 10 phút